Tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân
Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong đó có giáo dục liêm chính, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
1. Một số kết quả nổi bật
Các cấp uỷ đảng đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các lớp bồi dưỡng văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, với trên 60.000 cuộc cùng trên 2.150.000 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham dự. Qua triển khai, quán triệt đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nêu cao vai trò, trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa liêm chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, thể hiện trên các khía cạnh cụ thể như sau:
Về xây dựng các nội dung về văn hóa liêm chính để giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
Các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn về tiêu chí chuẩn mực đạo đức, liêm chính; xây dựng bổ sung và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, qua đó mang lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Một số nội dung về quy tắc, chuẩn mực liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, tập trung chủ yếu như: (1) Viết, nói và làm đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, quy định những điều cán bộ, công chức, đảng viên không được làm, nội quy, quy chế của cơ quan, chi bộ; (2) Tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, quyết liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; đoàn kết trung thực, thẳng thắn, gương mẫu tự phê bình và phê bình; (3) Chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống các biểu hiện bè phái, cục bộ và các biểu hiện khác gây mất đoàn kết nội bộ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác...
Về hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị, địa phương thông qua các hội nghị (trực tiếp và trực tuyến), họp cơ quan, đơn vị, sinh hoạt chi, tổ hội… đã lồng ghép nội dung giáo dục liêm chính, trách nhiệm nêu gương; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cơ quan; quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm chính trị huyện, thị xã, thành phố mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn có lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản chỉ đạo, các tin, bài, phóng sự có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính trên hai tờ báo chữ Việt và chữ Khmer của tỉnh, phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Qua triển khai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Điển hình như, Huyện ủy Duyên Hải chỉ đạo Trung tâm Chính trị xây dựng hệ thống đường truyền trực tuyến kết nối đến 98 điểm cầu trong toàn huyện (kết nối trực tuyến đến 100% ấp, khóm). Trong đó, điểm cầu chính tại Trung tâm Chính trị, 07 điểm cầu tại các xã - thị trấn, 60 điểm cầu tại ấp, khóm và 30 điểm cầu tại các trường học trên địa bàn huyện để triển khai, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính.
Huyện ủy Cầu Kè xây dựng mô hình “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” và triển khai thực hiện trên toàn huyện. Qua thực hiện mô hình, toàn huyện có 3.959 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đăng ký, qua đánh giá kết quả thực hiện cuối năm có 3.928 đồng chí thực hiện đạt các nội dung, đạt 99,22% và 31 đồng chí thực hiện chưa đạt, chiếm 0,78% tiếp tục đăng ký phấn đấu thực hiện trong thời gian tới. Đây là mô hình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đánh giá cao và đã được nhân rộng trong toàn tỉnh.
2. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa liêm chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong đó có công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai là, trên cơ sở Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực đạo đức công vụ phù hợp từng cơ quan, đơn vị, sát chức năng, nhiệm vụ được giao, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ đánh giá.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung công tác bồi dưỡng, giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát huy tốt vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, xây dựng văn hóa liêm chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Phát huy tốt vai trò các phương tiện truyền thông, báo chí, Intenet, mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động về liêm chính và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, thực hiện tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tích cực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính; việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về gương mẫu giữ gìn phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống và thực hành liêm chính. Kịp thời, phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, không để kéo dài dẫn đến sai phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng thuộc phạm vi mình quản lý.
Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Huỳnh Thanh Trị
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh