Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 157-HD/BTGTW, ngày 21/5/2024, hướng dẫn Triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa.

Theo Hướng dẫn số 157-HD/BTGTW, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc điểm, tình hình cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm "học đi đôi với hành"; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao, đào tạo cho người lao động và các đối tượng chính sách. Tập trung đào tạo những ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng, địa phương. Hình thành các trung tâm thực hành nghề chất lượng cao, có nhiều đóng góp cho xã hội. Xây dựng chính sách tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Định kỳ hằng năm tiến hành đánh giá và xây dựng báo cáo về kết quả triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chỉ thị, gắn với đặc thù của địa phương, đơn vị, bảo đảm đồng bộ, liên thông, hiệu quả, khả thi.

Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu; bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện; triển khai toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình triển khai Chỉ thị và các văn bản liên quan./.