Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng xã hội
Ngày 30/01, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phối hợp với Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng quan điểm, chính sách, đề xuất nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trên môi trường mạng xã hội”.
Các đồng chí: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân; Vũ Trọng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thuộc chương trình nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội”. 55 bài tham luận của các nhà khoa học với các nội dung xoay quanh chủ đề của Hội thảo đều có giá trị, hàm lượng khoa học và thực tiễn cao, một số tham luận được đầu tư nghiên cứu rất công phu. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nếu được nghiên cứu, triển khai trên thực tiễn.
Các tham luận đã dự báo cụ thể về những vấn đề tác động đến cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trong thời gian tới như: Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội và những vấn đề an ninh phi truyền thống... của thế giới, khu vực và trong nước; sự đấu tranh gay gắt giữa tư tưởng cộng sản và một số khuynh hướng tư tưởng trên thế giới hiện nay; sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện nay, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có rất nhiều vấn đề cụ thể về kỹ thuật chúng ta không thể kịp nắm bắt được; Âm mưu, mục đích, nội dung, phương thức, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trên môi trường mạng xã hội trong thời gian tới; Sự phát triển của mạng xã hội trên thế giới và ở trong nước về xu thế, đặc điểm, quy mô, tính chất, tốc độ phát triển…, những nguy cơ, thách thức cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia chưa làm chủ được các nền tảng mạng xã hội, nhất là những nguy cơ mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tổ chức các hoạt động chống phá. Trong khi đó, đây đang là nơi truyền tải, cung cấp thông tin và dẫn dắt dư luận của đông đảo người dân Việt Nam hiện nay.
Các tham luận cũng đã bước đầu đề xuất những quan điểm chỉ đạo, những định hướng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới; Đề xuất xây dựng quan điểm chỉ đạo như “đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội ở Việt Nam phải dựa vào dân” và “đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội cần phải đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức, coi trọng hiệu quả, trên tinh thần chủ động, cảnh giác, thường xuyên, kiên trì, kiên quyết, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm”. Qua đó đưa ra đề xuất tổng thể hệ thống các giải pháp nhằm đấu tranh bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội trong tình hình hiện nay.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trên môi trường mạng, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần phải luôn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành đồng bộ, hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện các giải pháp về xây dựng vững chắc nền tảng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thông tin và truyền thông trên internet, mạng xã hội…
PGS.TS Lê Hải Bình lưu ý, phải phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội. Bên cạnh sự tham gia của các bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo 35 thì cần phát huy tổng lực sự tham gia của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, từ cơ quan kiểm soát nguồn tin, cơ quan quản lý thuế đến các cơ quan ngoại giao, văn hóa, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, trên các mạng xã hội..., góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.