Nâng cao chất lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Cần tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các nhà phê bình văn học, nghệ thuật, khắc phục mọi biểu hiện phi văn hóa trong hoạt động phê bình...
Đây là những nội dung được đề cập tại Tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay - thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 26/5.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nhạc sĩ, PGS,TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS,TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS,TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, việc nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc về nhân tố con người và công tác xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là công việc cần thiết. Nâng cao chất lượng mảng công tác này sẽ tác động nhiều mặt đến mảng sáng tác, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và cả mảng tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật của công chúng.
Tại cuộc Tọa đàm, hầu hết ý kiến có chung nhận định, đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có nhiều bất cập. Lực lượng phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình, lui về làm nghiên cứu, thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã thẳng thắn đóng góp ý kiến phong phú đa dạng, sát thực tiễn để xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm. Đặc biệt, tập trung nêu các giải pháp liên quan đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, các diễn đàn học thuật, các tổ chức chuyên môn liên quan đến lý luận, phê bình; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực lý luận, phê bình…
Một số ý kiến tại Tọa đàm nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các nhà phê bình văn học, nghệ thuật, khắc phục mọi biểu hiện phi văn hóa trong hoạt động phê bình... Các đại biểu cũng đề nghị cần đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tập trung xây dựng, nâng cấp các khoa, bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; có cơ chế chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hữu cơ.
Những ý kiến và nhận định đúng đắn, khách quan, trách nhiệm tại Tọa đàm có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc cung cấp luận cứ khoa học tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm tới./.