Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng chính trị thông qua sử dụng thành tựu của cuộc “Cách mạng 4.0”
Công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức là một vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng tư duy lý luận vững chắc, củng cố quan điểm chính trị vững vàng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chiến lược của Đảng, qua đó vận dụng vào thực tiễn công tác.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người đã nêu ra những nội dung huấn luyện cần tập trung như: “Huấn luyện nghề nghiệp, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hóa; Huấn luyện lý luận. Học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế….”
Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung là nội dung được Đảng ta đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên… nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương” .
Trong bối cảnh những tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đến đời sống kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, việc sử dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức là xu thế tất yếu và khách quan. Trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mới về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và học tập lý luận chính trị, cũng như công tác tổ chức, triển khai đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách; vận dụng sáng tạo, linh hoạt những thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong quá trình học tập, nâng cao trình độ của bản thân.
Thứ hai, bảo đảm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức và đảng viên mới. Đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại là điều kiện tiên quyết trong bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức đảng viên mới giai đoạn hiện nay. Cần tiếp tục tăng cường các nguồn kinh phí, đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước hiện đại hơn, phù hợp với xu thế chuyển đổi số nhằm đảm bảo phục vụ công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức và đảng viên mới.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyên trách làm công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đòi hỏi đảng bộ các cấp phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có tư duy mới và kỹ năng mới nhằm thích ứng tốt hơn với bối cảnh mới. Đặc biệt, trước những yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, mỗi cán bộ, giảng viên chuyên trách về bồi dưỡng chính trị tư tưởng phải tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là nắm bắt công nghệ thông tin hiện đại, để không lạc hậu với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và có thể ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy.
Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục lý luận chính trị theo hướng ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào giải quyết những tình huống thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học, giảm những nội dung lý luận chung, trừu tượng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Việc xác định đúng đắn vai trò của khoa học - công nghệ trong công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng sẽ giúp cho chủ thể tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng định hình được những nội dung liên quan, tiên quyết trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, như việc xác định nội dung giáo dục, đối tượng phù hợp của quá trình giáo dục và lựa chọn hình thức giáo dục sao cho phù hợp nhất trong bối cảnh Cách mạng 4.0.
Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho lực lượng công chức, viên chức là một yêu cầu cấp thiết, cần có sự đồng lòng, thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới, từ chính nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập một cách nghiêm túc, có sự đầu tư và sự chỉnh chu, tâm huyết của đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, để chất lượng công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng ngày càng được nâng cao và đạt hiệu quả cao nhất./.
Đinh Tấn Phong
Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ