Một số điểm cần lưu ý đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên trước khi phát biểu, bắt đầu và kết thúc bài phát biểu

MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý ĐỐI VỚI BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN TRƯỚC KHI PHÁT BIỂU, BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC BÀI PHÁT BIỂU

I. TRƯỚC KHI PHÁT BIỂU

Trước khi tiến hành buổi tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần chuẩn bị tốt các vấn đề sau:

- Chuẩn bị thêm về nội dung: cần hình dung lại toàn bộ bài tuyên truyền miệng, nắm chắc đề cương, bổ sung, cập nhật những thông tin mới, suy nghĩ về nội dung và cách trình bày những nội dung quan trọng nhất, đặc biệt là những vấn đề quan trọng đó, tìm cách “nhập vai” khi trình bày chúng.

- Chuẩn bị về thể chất và tinh thần, sức khỏe và tâm lý: trước khi thực hiện bài tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên nên tĩnh tâm, bỏ qua những gì không liên quan đến bài nói. Nếu bài nói đã được chuẩn bị kỹ, có thời gian nên đi dạo chơi, vãn cảnh tạo cho tư tưởng thoải mái, tinh thần tư thái.

- Chuẩn bị thời gian và địa điểm: Thời gian tổ chức buổi nói chuyện tốt nhất là vào buổi sáng và buổi tối hoặc buổi chiều. Không nên tổ chức buổi tuyên truyền miệng vào buổi trưa (trừ trường hợp bất khả kháng).

Việc chọn địa điểm hợp lý cũng tạo ra chất lượng cho buổi nói chuyện. Kích thước hội trường nên phù hợp với số lượng người nghe. Nếu người nghe không nhiều, hội trường rộng thì nên mời người nghe ngồi ở những hàng ghế đầu.

Nên bố trí người đến trước ngồi cách xa cửa ra vào để người đến sau không làm cho họ phải phân tán sự chú ý. Tốt nhất, nên bố trí người nghe ngồi quay lưng về phía cửa ra vào. Hội trường cần đủ ánh sáng, khuôn mặt của báo cáo viên, tuyên truyền viên phải được chiếu sáng vừa đủ.

Không nên tổ chức buổi nói chuyện trong các phòng chật chội, nóng bức, nơi có nhiều tiếng động, ồn ào... Các nghiên cứu về môi trường truyền thông cho thấy: nếu nhiệt độ không khí nóng quá 300C hoặc tiếng ồn cao hơn 60 đề-xi-ben thì môi trường truyền thông sẽ tạo nhiễu, ảnh hưởng tới sự tiếp thu thông tin.

II. BẮT ĐẦU PHÁT BIỂU

Bắt đầu buổi tuyên truyền miệng như thế nào cũng là một nghệ thuật. Những báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm thường không vội vàng bắt đầu bài phát biểu của mình mà cần tạo ra sự chú ý ban đầu. Sau khi bước lên bục giảng, cần phải làm nhiệm vụ “tổ chức người nghe”, tập trung sự chú ý của họ, biến những cá nhân độc lập trở thành một tập thể thống nhất, có sự hưởng ứng chung đối với bài phát biểu. Thủ thuật tạo ra sự chú ý ban đầu ở người nghe là sự yên lặng trong khoảng 5 - 10 giây mà người ta gọi một cách ước lệ là “phút yên lặng ban đầu”.

Trong phút yên lặng ban đầu này, người nói cần xác lập sự giao tiếp bằng mắt với người nghe, nhìn vào mắt của họ và gặp họ qua ánh mắt, chào thầm họ bằng ánh mắt thiện cảm của mình. Đồng thời, qua kênh giao tiếp này cảm nhận về thái độ của họ để trên cơ sở ấy quyết định lựa chọn phương pháp vào đề, phương pháp trình bày vấn đề. Tất nhiên, ngay sau đó sẽ vào đề bằng lời mở đầu phù hợp.

Trong giai đoạn này thường xảy ra một số tình huống như sau:

- Người nói bị hồi hộp

Hồi hộp là một trạng thái tâm lý biểu hiện của một xúc cảm tiêu cực. Hồi hộp có thể dẫn đến việc kìm hãm sự vận động của người nói, bị ức chế về tâm lý và do đó thường không có khả năng tư duy định hướng, lúng túng, không làm chủ được lời nói. Biểu hiện của sự hồi hộp thường là: dễ xúc động, tay chân run, mặt tái, thở nhanh...

Sự hồi hộp khi bắt đầu buổi nói chuyện thường do các nguyên nhân sau:

+ Thiếu tự tin vào khả năng của mình.

+ Thiếu kinh nghiệm, chưa từng trải trong thực tiễn tuyên truyền miệng...

+ Do đặc trưng tâm lý của một số người.

+ Chưa chuẩn bị kỹ hoặc nắm chưa chắc đề cương bài phát biểu.

Trạng thái hồi hộp có thể khắc phục bằng các cách sau:

+ Thở sâu vài ba lần.

+ Làm dịu về thể chất bằng cách tiến hành một việc gì đó: di chuyển vị trí một chiếc ghế, một lọ hoa đặt trên bàn, đến gần công tắc điện để bật (hoặc tắt) chiếc quạt, mở cửa sổ hay cửa ra vào…

+ Nắm chặt bàn tay rồi thả lỏng dần dần một số lần.

+ Đưa mắt tìm kiếm những nét mặt quen thuộc, có thiện cảm với mình và dừng lại ở đó một lúc.

+ Đôi khi có thể nói thẳng với thính giả là mình bị hồi hộp.

Tất nhiên, cách tốt nhất để khắc phục là chuẩn bị tốt nội dung bài phát biểu, tự tin với sự chuẩn bị, khả năng của mình.

- Người nghe ồn ào, không tập trung chú ý

Trong trường hợp này cách khắc phục tốt nhất là nói to và rõ ràng khi bắt đầu phát biểu. Cách khắc phục này dựa trên quy luật tâm - sinh lý: Con người chỉ tiếp thu những tác nhân kích thích âm thanh nào trội hơn, có khả năng tương phản với các kích thích âm thanh khác.

- Người nghe bị kích động nên ồn ào, mất trật tự và tỏ thái độ phản đối

Gặp tình huống này, người phát biểu có thể học tập thủ thuật nhân nhượng trong diễn thuyết mà V.I. Lênin đã sử dụng trong lần phát biểu trước một đại hội do đảng xã hội - cách mạng tổ chức vào tháng 11 năm 1917 với ý đồ lừa gạt nông dân.

Về tình huống này, nhà văn Giôn-Rít đã miêu tả trong tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới” như sau:

“Trong ngày thứ ba, V.I. Lênin đột nhiên xuất hiện trên diễn đàn. Hội trường rộ lên hơn mười phút và vang lên tiếng hô “Đả đảo! Đả đảo! Chúng tao không nghe bọn ủy viên nhân dân của các người! Chúng tao không công nhận chính phủ của các người!”.

Lênin bình tĩnh, hai tay ôm gọn sách, Người thận trọng nheo mắt nhìn đám đông đang phát khùng. Cuối cùng, tiếng ồn ào dường như lặng đi, không kể những người ngồi ở các hàng ghế bên phải còn tiếp tục hò hét và huýt sáo. Chờ cho tiếng ồn ào chấm dứt, Lênin nói: “Tôi đến đây không phải với tư cách là thành viên của Hội đồng dân ủy, mà là với tư cách là thành viên phái Bôn-sê-vích được bầu hợp lệ đi dự đại hội này”. Người giơ cao tờ giấy được ủy nhiệm để mọi người nhìn thấy.

Người tiếp tục bằng giọng bình thản: “Tuy thế, không ai có thể phủ nhận rằng, chính phủ Nga hiện nay là do đảng Bôn-sê-vích thành lập...”. Người dừng lại một chút... do đó, “thực tế chúng là một...”. Lúc này từ các hàng ghế bên phải lại vang lên tiếng hét, nhưng những người ở các hàng ghế giữa và các hàng ghế bên trái lại quan tâm chú ý lắng nghe và tìm cách giữ trật tự”.

Ở tình huống trên, V.I. Lênin đã vận dụng thủ thuật nhân nhượng để buộc người nghe lắng nghe. Diễn giả làm ra vẻ đồng tình với đám đông bị kẻ thù kích động bằng cách nói nhân nhượng: “Tôi đến đây không phải với tư cách là thành viên của Hội đồng dân ủy, mà là với tư cách là thành viên phái Bôn-sê-vích...”. Sau khi đã xác lập được sự chú ý thì V.I. Lênin nói rõ quan điểm của mình: “Tuy thế, không ai có thể phủ nhận rằng, chính phủ Nga hiện nay là do đảng Bôn- sê- vích thành lập, do đó chúng là một”.

III. KẾT THÚC BÀI PHÁT BIỂU

Giai đoạn kết thúc bài phát biểu là giai đoạn người nghe đã thấm mệt, giảm sự chú ý. Cho nên, cần kết thúc bài phát biểu đúng giờ quy định.

Đây là phần tổng kết bài nói chuyện và toàn bộ buổi tuyên truyền miệng. Yêu cầu đặt ra là phải để lại “dư âm, ấn tượng” của bài nói. Vì vậy, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể kết thúc bài nói bằng nhiều cách: hệ thống toàn bộ bài nói một cách ngắn gọn, khái quát hoặc chốt lại những vấn đề cơ bản nhất của nội dung đã truyền đạt. Trên cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên đó rút ra kết luận, định hướng tư tưởng, kêu gọi, cổ vũ người nghe hành động.

Chú ý, thời điểm này có thể người nghe đặt thêm câu hỏi, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần căn cứ vào nội dung câu hỏi và quỹ thời gian để trả lời hoặc xin trả lời riêng.

Thông thường, báo cáo viên cần kết thúc bài nói chuyện sớm hơn thời gian ấn định khoảng 5 - 7 phút, không nên kéo dài bài nói quá giờ quy định.

Trước khi rời diễn đàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần cảm ơn người nghe đã theo dõi, cổ vũ; xin lỗi những sơ suất (nếu có), chúc sức khoẻ, tạm biệt và hẹn gặp lại người nghe trong các nội dung tuyên truyền mới./.