Kỹ năng lựa chọn nội dung tuyên truyền miệng
Về nguyên tắc, tuyên truyền miệng có thể đề cập đến mọi vấn đề của đời sống xã hội, như: Những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Tuy nhiên, để đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, khi lựa chọn nội dung tuyên truyền miệng, cần chú ý đến các yêu cầu sau:
KỸ NĂNG LỰA CHỌN NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Về nguyên tắc, tuyên truyền miệng có thể đề cập đến mọi vấn đề của đời sống xã hội, như: Những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Tuy nhiên, để đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, khi lựa chọn nội dung tuyên truyền miệng, cần chú ý đến các yêu cầu sau:
1. Nội dung tuyên truyền miệng phải mang đến cho người nghe những thông tin mới
Trong lý thuyết giao tiếp, người ta ví quá trình trao đổi thông tin với hình tượng hai bình thông nhau chứa tin. Mỗi một bình chứa tin là một vai giao tiếp. Quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin là quá trình mở chiếc van giữa hai bình để tin từ bình này (người nói) chảy sang bình kia (người nghe). Nếu tin của hai bình ngang nhau tức là hết điều để nói, quá trình trao đổi thông tin trên thực tế không diễn ra nữa. Để quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin diễn ra liên tục, giữa người nói và người nghe phải có độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết xung quanh nội dung đang đề cập đến. Độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết đó chính là cái mới của nội dung tuyên truyền miệng.
Cái mới của nội dung tuyên truyền tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, thuyết phục, cảm hoá họ, khẳng định những quan điểm cần tuyên truyền và phê phán các quan điểm sai trái, phản diện.
Trong tuyên truyền miệng, cái mới không chỉ được hiểu là cái chưa hề được đối tượng biết đến mà có thể là một phương pháp tiếp cận mới, một cách trình bày mới, độc đáo, một nhận định đánh giá mới về cái đã biết. Để tạo ra cái mới cho nội dung tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần thường xuyên tích luỹ tư liệu mới; tìm tòi, sáng tạo cách trình bày, tiếp cận mới đối với vấn đề; rèn luyện năng lực bình luận, đánh giá thông tin; tích cực nghiên cứu thực tế, lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng để phát hiện, nắm bắt cái mới, tổng kết các kinh nghiệm hay từ thực tiễn.
2. Nội dung tuyên tuyền miệng phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu của một nhóm đối tượng cụ thể
Nội dung tuyên truyền miệng do mục đích của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng và nhu cầu thoả mãn thông tin của đối tượng quy định. Nhu cầu thông tin của đối tượng lại xuất hiện do nhu cầu của hoạt động nhận thức (nghe để biết), hoặc của hoạt động thực tiễn (nghe để biết và để làm). Chính trong quá trình hoạt động thực tiễn mà ở công chúng xuất hiện nhu cầu thông tin và đòi hỏi được đáp ứng.
Hoạt động thực tiễn của công chúng lại rất đa dạng, do đó nhu cầu thông tin của từng đối tượng công chúng cũng khác nhau. Không thể chọn một nội dung để nói cho các đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền miệng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng, một nhóm người nghe cụ thể, xác định. Cho nên, phân loại đối tượng, nắm vững mục đích công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và nhu cầu thông tin, sự hứng thú của từng đối tượng đối với nội dung thông tin, kích thích và đáp ứng nhu cầu ấy vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của công tác tuyên truyền miệng.
Trong trường hợp công chúng chưa xuất hiện nhu cầu thông tin về một vấn đề quan trọng nào đó, nhưng vấn đề đó lại được đặt ra do yêu cầu giáo dục chính trị, tư tưởng thì cần chủ động hướng dẫn, khêu gợi, kích thích sự quan tâm ở họ. Chỉ khi nào ở người nghe xuất hiện nhu cầu thông tin và đòi hỏi được đáp ứng thì khi đó ở họ mới xuất hiện tâm thế, thái độ chủ động sẵn sàng tiếp nhận, chủ động nhằm thoả mãn nhu cầu đó (tìm tài liệu để đọc, đến hội trường nghe nói chuyện và chú ý lắng nghe...).
3. Nội dung tuyên truyền miệng phải mang tính thời sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống
Giá trị và sức lôi cuốn người nghe, ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng và chỉ đạo hành động của nội dung tuyên truyền được nâng cao rõ rệt khi chọn đúng thời điểm tổ chức buổi tuyên truyền miệng. Nếu buổi tuyên truyền miệng được tổ chức đúng thời điểm thì sức thu hút của nó đối với người nghe càng lớn, vì đó là một điều kiện giúp con người hành động có hiệu quả. Nếu triển khai kế hoạch tuyên truyền chậm, thông tin thiếu tính thời sự thì hiệu quả tác động kém, sức hấp dẫn bị hạn chế.
Để đáp ứng yêu cầu này, một mặt cần nắm vững chương trình, kế hoạch tuyên truyền của cấp uỷ hoặc cấp trên đề ra; mặt khác, bằng sự nhạy cảm chính trị và tính năng động nghề nghiệp, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể chọn một trong số những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách nhất, những sự kiện có tiếng vang lớn, đang kích thích sự quan tâm của đông đảo quần chúng làm chủ đề cho nội dung tuyên truyền. Những vấn đề và sự kiện như vậy thường có sức mạnh thông tin, cổ vũ cao, tác động sâu sắc đến ý thức và hành vi của con người.
Hướng vào phản ánh những vấn đề bức xúc trong phong trào cách mạng của quần chúng, các điển hình tiên tiến trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, giải đáp kịp thời, có sức thuyết phục những vấn đề do thực tiễn cuộc sống sinh động đang đặt ra là một trong những cách thức nâng cao tính cấp thiết, tính thời sự của nội dung tuyên truyền miệng.
4. Nội dung tuyên truyền miệng phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chiến đấu và tính định hướng
Bài nói của báo cáo viên, tuyên truyền viên có mục đích tư tưởng rất rõ rệt. Mục đích tư tưởng này do chức năng của công tác tuyên truyền đặt ra và là đặc trưng cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Khi nói trước công chúng, báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện chức năng của nhà tư tưởng bằng công cụ lời nói, bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nội dung tuyên truyền miệng dù về đề tài gì, trước đối tượng công chúng nào cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng nhằm hình thành niềm tin và cổ vũ tính tích cực hành động của con người. Cho nên, nội dung tuyên truyền miệng không chỉ đạt tới yêu cầu cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, hấp dẫn, mà quan trọng hơn là đạt tới yêu cầu định hướng chính trị, cung cấp thông tin. Nội dung tuyên truyền miệng không chỉ nhằm cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về những sự kiện quan trọng trong nước và trên thế giới mà quan trọng hơn là qua thông tin đó định hướng nhận thức, giáo dục tư tưởng, quán triệt quan điểm và hướng dẫn hành động của quần chúng.
Tính tư tưởng, tính chiến đấu đòi hỏi báo cáo viên, tuyên truyền viên khi thông tin về những quan điểm khác nhau phải có chính kiến rõ ràng, phân tích theo lập trường, quan điểm của Đảng; khi nêu các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, các tư tưởng xa lạ, đối lập phải tỏ rõ thái độ phê phán kiên quyết, triệt để, tránh gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm niềm tin của công chúng bởi cái gọi là “thông tin nhiều chiều” thiếu cơ sở khoa học.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu hiện nay, bên cạnh những thông tin đa dạng, đa chiều cung cấp qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, còn có nhiều thông tin mà các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, biến chất tung ra nhằm đánh tráo khái niệm, bóp méo lịch sử, thao túng dư luận xã hội, bịa đặt, kích động gây chia rẽ nội bộ, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong xã hội ta. Các thông tin đúng - sai, thật - giả lẫn lộn cùng tác động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong điều kiện đó, báo cáo viên, tuyên truyền viên thông qua hoạt động tuyên truyền miệng phải có trách nhiệm góp phần định hướng thông tin. Việc định hướng thông tin đòi hỏi báo cáo viên, tuyên truyền viên phải thông tin chính xác, kịp thời quan điểm chính thức, chính thống của Đảng và Nhà nước. Khi thông tin về sự kiện, hiện tượng, vấn đề phải phản ánh chân thực bản chất sự kiện, hiện tượng, vấn đề đó, giúp công chúng phân biệt rõ ràng đúng - sai, thật - giả, tích cực - tiêu cực. Đồng thời, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải thể hiện, bày tỏ thái độ ủng hộ cái đúng, cái tích cực, tiến bộ; phê phán cái sai, cái tiêu cực, lạc hậu; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, các tin đồn thất thiệt.
Căn cứ vào kế hoạch, đề tài tuyên truyền của cấp uỷ, những yêu cầu trên, thực tế tình hình tư tưởng xã hội, đặc điểm đối tượng, cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần lựa chọn được nội dung tuyên truyền phù hợp./.