Kỹ năng lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ, văn phong trong tuyên truyền miệng
Ngôn ngữ là công cụ quan trọng đảm bảo cho báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện mục đích của hoạt động tuyên truyền miệng. Bằng ngôn ngữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyển tải thông tin, thúc đẩy sự chú ý và sự suy nghĩ của người nghe, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nhận thức của đối tượng và cổ vũ họ đi tới những hành động tích cực.
KỸ NĂNG LỰA CHỌN, SỬ DỤNG NGÔN NGỮ, VĂN PHONG TRONG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Ngôn ngữ là công cụ quan trọng đảm bảo cho báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện mục đích của hoạt động tuyên truyền miệng. Bằng ngôn ngữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyển tải thông tin, thúc đẩy sự chú ý và sự suy nghĩ của người nghe, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nhận thức của đối tượng và cổ vũ họ đi tới những hành động tích cực.
Ngôn ngữ tuyên truyền miệng có các đặc trưng sau:
1. Tính hội thoại
Tuyên truyền miệng có đặc trưng là sự giao tiếp trực tiếp giữa người nói và người nghe thể hiện cả trong độc thoại và đối thoại. Cho nên, một đặc điểm văn phong quan trọng của tuyên truyền miệng là tính hội thoại, tính sinh động, phong phú của lời nói. Những biểu hiện của tính hội thoại là sử dụng từ vựng và câu cú hội thoại, sự đơn giản của cấu trúc câu và không tuân theo những quy tắc ngữ pháp nghiêm ngặt như văn viết.
Biểu hiện đầu tiên của tính hội thoại trong văn phong tuyên truyền miệng là việc sử dụng câu ngắn, câu không phức tạp (câu đơn). Do đặc điểm tâm, sinh lý của việc tri giác thông tin bằng thính giác, một mệnh đề càng dài thì càng khó ghi nhớ. Sử dụng câu ngắn, câu đơn sẽ làm cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu vấn đề và không ảnh hưởng đến việc thở lấy hơi của người nói.
Ngoài ra, việc sử dụng câu ngắn, câu nhiều mệnh đề kế tiếp nhau có thể trở thành phương tiện văn phong làm cho bài nói sôi nổi, có kịch tính, trên cơ sở đó thu hút sự chú ý của người nghe.
Sử dụng cấu trúc liên kết. Nhờ việc sử dụng cấu trúc này mà báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể làm nổi bật, nhấn mạnh một vấn đề nào đó, thực hiện sự ngắt hơi hoặc xuống giọng để tạo ra cảm giác thoải mái, ngẫu hứng. Sự liên kết thường được sử dụng với liên từ: “và”, “còn”, “nhưng”, “song”, “hơn nữa” và các trợ từ: “mặc dù”, “chẳng lẽ”, “thậm chí”, “thật vậy”,...
2. Tính chính xác
Tính chính xác của ngôn ngữ là sự phù hợp giữa tư tưởng muốn trình bày và từ ngữ, thuật ngữ được chọn để diễn đạt tư tưởng đó. Tính chính xác đảm bảo cho lời nói truyền đạt chính xác nội dung khách quan của vấn đề, sự việc, sự kiện được đề cập trong bài phát biểu, tuyên truyền miệng. Tính chính xác của lời nói trong tuyên truyền miệng bao gồm:
- Sự chính xác về phát âm (không phát âm sai, lẫn lộn giữa “l” và “n”, giữa “ch” và “tr”, giữa “r” và “gi”, giữa “s” và “x”...)
- Sự chính xác về từ, các từ được dùng phải rõ nghĩa, đơn nghĩa, tránh dùng từ đa nghĩa, diễn đạt mập mờ, nước đôi, không rõ ràng.
- Sự chính xác về câu bao hàm cả sự chính xác về ngữ pháp (đặt câu đúng) và chính xác về ngữ nghĩa, tránh đặt những câu tối nghĩa.
- Sự chính xác của lời nói còn được biểu hiện ở việc chọn từ ngữ phù hợp với đề tài, với trình độ người nghe và bối cảnh giao tiếp.
3. Tính phổ thông
Tính phổ thông của lời nói trong tuyên truyền miệng thể hiện ở việc chọn từ, cách diễn đạt rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ chung, phổ biến của một nhóm đối tượng công chúng, là biết “phiên dịch” ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ chuyên gia sang ngôn ngữ của công chúng rộng rãi.
Tính phổ thông của lời nói đảm bảo cho thính giả hiểu được, tiếp thu được những vấn đề phức tạp, thu hút người nghe hướng vào tiếp nhận những tư tưởng mới của báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Tính phổ thông, sự đơn giản, dễ hiểu của lời nói, của cách trình bày không có nghĩa là “dung tục hoá” các khái niệm khoa học, là làm nghèo nàn nội dung bài nói. Sự đơn giản của diễn ngôn, sự dễ hiểu của cách trình bày và sự phong phú, tính khoa học của nội dung không mâu thuẫn với nhau. Trong vấn đề này việc cụ thể hoá các khái niệm trừu tượng, việc lấy các ví dụ minh hoạ, sử dụng đoạn miêu tả rất có hiệu quả.
Tính phổ thông của lời nói đòi hỏi báo cáo viên, tuyên truyền viên hạn chế việc sử dụng các thổ ngữ, từ địa phương, các thuật ngữ có tính nghề nghiệp, chuyên dụng. Không lạm dụng từ nước ngoài, mặc dù sự hiện diện của một số từ nước ngoài trong ngôn ngữ của một dân tộc là một thực tế khách quan do những quy luật của quá trình phát triển ngôn ngữ và giao lưu văn hoá.
Trong những điều kiện cần thiết chúng ta có thể sử dụng các từ nước ngoài nhất là các từ Hán - Việt, để biểu đạt chính xác nội dung tư tưởng, nhưng không lạm dụng và tốt nhất vẫn là chọn dùng những từ có trong vốn từ vựng của người nghe. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, vốn gần gũi với đông đảo nhân dân để trình bày, diễn đạt, giải thích các khái niệm mới, trừu tượng cũng là cách phổ thông hoá lời nói của bài phát biểu, tuyên truyền miệng.
4. Tính truyền cảm
Tính truyền cảm là đặc trưng riêng có của ngôn ngữ nói. Việc khai thác, vận dụng đặc trưng này sẽ đem lại thành công cho bài nói. Một bài nói có chất lượng là bài nói vận dụng tốt các phương tiện lôgíc và phương tiện cảm xúc - thẩm mỹ. Nhờ yếu tố truyền cảm của lời nói mà người nghe bỏ qua những thông tin nhiễu khác như tiếng ồn, các tác động của môi trường, sự nóng nực, tập trung chú ý nghe, tích cực, chủ động nâng cao nhận thức của mình, thích thú trong việc tiếp nhận thông tin.
Để tạo ra tính truyền cảm cho bài nói, có thể sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm: Các ẩn dụ, so sánh, các từ láy, điệp ngữ,... và các biện pháp tu từ cú pháp: Câu ẩn chủ ngữ, câu hỏi tu từ, câu đối chọi, câu có bổ ngữ đứng ở trước, câu đảo đối… Đồng thời, có thể sử dụng các yếu tố cận ngôn ngữ như ngữ điệu, trường độ, cao độ của tiếng nói, sự ngừng giọng... và kết hợp chúng với các yếu tố phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt...