Tổ chức, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên (Phần II)
(Tiếp theo Phần I)
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN (Phần II)
4. Lãnh đạo và chỉ đạo công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên
a. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác của báo cáo viên, tuyên truyền viên
Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, đã khẳng định: “... Công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy, tất cả cấp ủy các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng, trực tiếp tham gia tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” và “Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của ngành, cấp và đơn vị mình, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu thế của công tác tuyên truyền miệng trên mặt trận tư tưởng- văn hóa”.
Các văn bản chỉ đạo trên của Đảng đã chỉ rõ nội dung sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên bao gồm:
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây là sự thể hiện cụ thể quan điểm của Đảng ta coi báo cáo viên, tuyên truyền viên là đội ngũ tuyên truyền miệng có tổ chức của Đảng, do Đảng lựa chọn và quyết định, là công cụ quan trọng hàng đầu trong việc trực tiếp tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, truyền đạt quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
- Quán triệt, nâng cao nhận thức của tổ chức Đảng, trước hết là đồng chí bí thư, của cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngay trong nội bộ Đảng và trong nhân dân.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc xây dựng và ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên của cấp ủy, trong đó quy định rõ vị trí quan trọng và chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tiêu chuẩn, chế độ chính sách và quyền hạn của đội ngũ của báo viên của cấp ủy để báo cáo viên dựa vào những quy định thống nhất hoạt động.
- Quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên và công nhận báo cáo viên của cấp ủy (có sự bổ sung, điều chỉnh định kỳ). Chỉ đạo, định hướng những nội dung quan trọng về chương trình, kế hoạch đề tài. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp mình cho đội ngũ báo cáo viên.
b. Vai trò của Ban Tuyên giáo đối với công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên
Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
- Lựa chọn, đề xuất với cấp ủy ra quyết định công nhận thành lập và công nhận là báo cáo viên của cấp ủy cùng cấp.
Hệ thống báo cáo viên được tổ chức ở tất cả các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, thành, huyện, quận; ở tất cả các tổ chức, ban ngành đoàn thể, các đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an), trong các hội quần chúng. Báo cáo viên các cấp do Ban Tuyên giáo tham mưu đề xuất và cấp uỷ cùng cấp ra quyết định công nhận.
Xây dựng đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng theo yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền trong từng giai đoạn cách mạng. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp. Ban Tuyên giáo đề xuất để cấp uỷ quyết định số lượng báo cáo viên, chú trọng chất lượng, không nhất thiết phải là cấp ủy viên mà lựa chọn những người có phẩm chất, có năng lực, đặc biệt là năng lực tuyên truyền miệng, có điều kiện và thời gian hoạt động. Thông thường, số lượng báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương có từ 30 đến 50 người; cấp quận, huyện và tương đương có từ 30; mỗi xã, phường và đảng bộ cơ sở 1 người.
- Dựa trên Quy chế hoạt động của báo cáo viên do Trung ương ban hành, xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên của ngành, địa phương.
- Xây dựng và hướng dẫn hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở.
- Dựa vào định hướng và những nội dung thông tin của cấp trên và căn cứ vào nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ sở xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch đề tài hàng năm, 6 tháng và hằng tháng để báo cáo với cấp ủy thông qua.
- Định kỳ tổ chức các hội nghị thông tin cho báo cáo viên để cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho báo cáo viên. Trong các hội nghị báo cáo viên chú trọng xử lý yêu cầu thông tin của báo cáo viên đến dự hội nghị và yêu cầu định hướng thông tin của cấp ủy để lựa chọn những người đến báo cáo các chuyên đề. Kết hợp vừa có thông tin miệng vừa có văn bản, tài liệu để báo cáo viên dựa vào đó thông tin kịp thời cho đảng bộ, chi bộ trong các kì sinh hoạt hàng tháng.
- Trực tiếp giúp cấp ủy chỉ đạo và quản lý hoạt động báo cáo viên, quan tâm cung cấp các trang thiết bị cho, Trường chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện để tổ chức các hội nghị thông tin, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên tuyền miệng; các chế độ, chính sách với báo cáo viên.
- Theo dõi kiểm tra hoạt động của báo cáo viên; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; khen thưởng, động viên kịp thời các báo cáo viên có thành tích xuất sắc, rút kinh nghiệm và báo cáo với cấp ủy thay thế những báo cáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, không thực sự hoạt động; kiến nghị với cấp ủy những vấn đề về nội dung hoạt động và sửa đổi bổ sung các quy định, chế độ, chính sách đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên.
5. Hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
a. Quá trình hình thành đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng
Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IV đã ban hành Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 3-8-1977 "Về tổ chức đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng". Thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW, trong hơn 40 năm qua, các cấp ủy đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở. Ban Tuyên giáo các cấp được ủy nhiệm trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp mình.
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 7-6-1997, Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đã ra Thông báo 71-TB/TW "Về việc tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng".
Trước yêu cầu mới của hội nhập kinh tế quốc tế, tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW và 10 năm thực hiện Thông báo 71-TB/TW của Thường vị Bộ Chính trị; ngày 15-10-2007 Ban Bí thư Trung ương khóa X đã ban hành Chỉ thị 17-CT/TW về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới".
Thực hiện các văn bản chỉ đạo trên đây của Đảng về đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, đội ngũ đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên hiện nay đang là những chiến sĩ xung kích, đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng, thực sự trở thành cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
b. Hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp ủy đảng trong giai đoạn hiện nay
- Hệ thống tổ chức đội ngũ báo cáo viên từ Trung ương đến huyện:
Đội ngũ báo cáo viên đến nay đã được xây dựng hoàn chỉnh theo hệ thống và được quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến huyện. Cụ thể là:
+ Báo cáo viên Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương công nhận, giao cho Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo cấp thẻ và quản lý nội dung hoạt động. Tính đến tháng 6/2021, cả nước có 450 báo cáo viên, bao gồm cán bộ lãnh đạo các Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và giảng viên các trường đại học... Báo cáo viên Trung ương được tham gia sinh hoạt định kỳ do Trung ương tổ chức. Hàng năm đội ngũ này đều được kiện toàn, bổ sung.
+ Đội ngũ báo cáo viên tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã được xây dựng và duy trì hoạt động đều đặn. Hiện nay tất cả các tỉnh, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương đều đã ra quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên. Báo cáo viên cấp tỉnh, giao cho Ban Tuyên giáo tỉnh ủy quản lý và tổ chức hoạt động.
+ Tất cả các quận, huyện, thị xã và tương đương đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên do cấp uỷ ra quyết định công nhận, bao gồm các cán bộ chủ chốt cấp huyện và báo cáo viên do cấp huyện quản lý.
- Phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong giai đoạn hiện nay
+ Phương thức hoạt động chủ yếu của báo cáo viên là giảng bài, báo cáo chuyên đề, giới thiệu nghị quyết của Đảng, nói chuyện thời sự, kể chuyện gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, diễn thuyết, đối thoại... trước một nhóm người nghe trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt đảng, trong các câu lạc bộ, các cuộc mít tinh, nơi tập trung đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo cáo viên cũng có thể lồng ghép, kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức, phương tiện tuyên truyền khác hoặc các thể loại đối thoại và độc thoại của tuyên truyền miệng. Chẳng hạn, lồng ghép, kết hợp tuyên truyền miệng với các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các trò chơi, các hoạt động nhân đạo, từ thiện; kết hợp giữa tuyên truyền miệng với hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng, giới thiệu nghị quyết, nói chuyện chuyên đề trên truyền hình, trên đài phát thanh, trên báo mạng điện từ qua các video clip...
+ Từ Trung ương đến cơ sở, việc tổ chức hội nghị báo cáo viên cơ bản được duy trì hàng tháng. Có một số hội nghị báo cáo viên luân phiên tại các địa phương, tạo cơ hội cho báo cáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế.
Thời gian mỗi kỳ hội nghị từ 1 - 2 ngày. Chủ đề và nội dung các Hội nghị báo cáo viên đã bám sát nội dung chỉ đạo công tác tuyên truyền trong từng tháng, từng quý, hàng năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của đội ngũ báo cáo viên các tỉnh, thành phố và các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Trung bình mỗi năm có gần 150 chuyên đề báo cáo tại các Hội nghị báo cáo viên do Trung ương tổ chức.
+ Tại các địa phương, nhiều nơi đã tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ cấp tỉnh, thành phố, cấp quận, huyện, cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền các vấn đề thời sự chính sách cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ở cơ sở.
Ngoài việc duy trì hội nghị báo cáo viên hằng tháng, Ban Tuyên giáo Trung ương còn tăng cường cung cấp các tư liệu, tài liệu ấn phẩm thông tin, bao gồm cả băng, đĩa hình, phục vụ cho hoạt động báo cáo viên. Các tỉnh, thành phố phát hành tài liệu thông tin tổng hợp cho cán bộ chủ chốt trong tỉnh; Tài liệu Thông báo nội bộ dùng cho chi bộ sinh hoạt hàng tháng; Thông tin báo cáo viên; Thông tin công tác tuyên giáo; ngoai ra cung cấp nhiều tài liệu chuyên đề phục vụ công tác tuyên truyền miệng…
+ Về quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng (kèm theo Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10-11-2010) và Hướng dẫn số 31-HD/BTGTW, ngày 30-10-2011 về việc xây dựng và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp. Trên cơ sở các Quy chế, Quyết định và Hướng dẫn của Trung ương, các địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai, quán triệt, tổ chức củng cố quản lý đội ngũ báo cáo viên, đưa việc tổ chức, quản lý hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ngày càng nề nếp hơn.
+ Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên được quan tâm chú ý. Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác báo cáo viên và phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên địa phương, cơ sở.
c. Tổ chức và phương thức hoạt động của tuyên truyền viên
- Hệ thống tổ chức đội ngũ tuyên truyền viên
Tuyên truyền viên là những người làm công tác tuyên truyền miệng ở cấp cơ sở, do cấp ủy lựa chọn. Ngoài những tuyên truyền viên được cấp ủy lựa chọn, mọi cán bộ, đảng viên đều có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Phương thức hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên
Tuyên truyền viên hoạt động bằng phương thức tuyên truyền vận động từng người, từng nhóm người, ngay trong sinh hoạt, học tập, lao động, công tác của đối tượng; Tuyên truyền viên có thể sử dụng các thông tin do báo cáo viên cung cấp, truyền đạt hoặc do chi bộ cung cấp để tuyên truyền cho đối tượng.