Kỹ năng tìm hiểu đối tượng khi chuẩn bị buổi tuyên truyền miệng
“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”
KỸ NĂNG TÌM HIỂU ĐỐI TƯỢNG KHI CHUẨN BỊ BUỔI TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
1. Sự cần thiết của việc tìm hiểu đối tượng
Tìm hiểu đối tượng thực chất và chủ yếu là tìm hiểu yêu cầu và đặc điểm người nghe. Muốn cho bài nói thành công, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải xác định rõ đối tượng cần tác động đến.
Tìm hiểu yêu cầu và đặc điểm đối tượng tuyên truyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện khi chuẩn bị một buổi tuyên truyền miệng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ tuyên truyền phải xác định rõ đối tượng tuyên truyền của mình khi viết, khi nói, nếu không thì “… cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.”[1]. Người viết: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm.”[2].
2. Nội dung tìm hiểu đối tượng
Trong tìm hiểu đối tượng, cần lưu ý một số nội dung sau:
- Nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội của đối tượng, gồm thành phần giai cấp, dân tộc, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, độ tuổi...
- Nghiên cứu các đặc điểm về tư tưởng và tâm lý - xã hội của đối tượng, gồm quan điểm, chính kiến, động cơ, khuôn mẫu tư duy, tâm trạng, trạng thái thể chất...
- Nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin; thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin và nội dung thông tin.
Trên cơ sở nắm được đặc điểm của người nghe, báo cáo viên lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp để đem lại hiệu quả cao cho buổi tuyên truyền miệng.
3. Về nhu cầu của các nhóm đối tượng
Trong thực tế, rất ít buổi tuyên truyền miệng được dành cho một loại đối tượng thuần nhất (trừ các lớp học, đơn vị quân đội, công an). Thông thường cán bộ tuyên truyền phải tiếp xúc cùng một lúc với nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một cơ sở, cùng một môi trường công tác.
Ví dụ, trong một đảng bộ doanh nghiệp, tuy người nghe đều là cán bộ, đảng viên nhưng trình độ học vấn, công việc của mỗi người khác nhau, phần đông là công nhân trực tiếp sản xuất, số còn lại là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật… Trong một cơ quan nghiên cứu vừa có các nhà khoa học, cán bộ quản lý, nhưng cũng có đảng viên làm tạp vụ, lao công…Trong một xã, phường, thị trấn người dân bao gồm nhiều nghề nghiệp, nhiều độ tuổi, nhiều tôn giáo, dân tộc khác nhau; trình độ giác ngộ chính trị, chức vụ, nhận thức xã hội đa dạng; trình độ học vấn cũng rất khác nhau (có người chỉ có trình độ tiểu học hoặc trung học cơ sở, nhưng cũng rất nhiều người có trình độ đại học, thậm chí sau đại học)…
Trong các trường hợp đó, báo cáo viên phải tìm cho được những đặc điểm chung trong một nhóm người nghe cụ thể để lựa chọn nội dung và phương pháp thích hợp, suy nghĩ thấu đáo để quyết định chỗ nào cần nói sâu, nói kỹ, chỗ nào cần lướt, chỗ nào cân gợi ý để người nghe tự nghiên cứu, tự trao đổi. Đương nhiên, một bài tuyên truyền miệng không thể dễ dàng thoả mãn mọi đối tượng, nhưng cần đáp ứng yêu cầu chung, của số đông và ở mức nhận thức “trung bình” trở lên.
4. Phương pháp tìm hiểu đối tượng
Đối với những đối tượng mới, lần đầu tiên đến thực hiện tuyên truyền miệng, báo cáo viên cần quan tâm tìm hiểu kỹ yêu cầu và đặc điểm đối tượng với các nội dung như trên. Việc tìm hiểu có thể dựa trên 3 cách:
- Tìm hiểu qua tổ chức, cá nhân người đến “đặt hàng” qua đó nắm những thông tin chung về đối tượng.
- Tìm hiểu qua những báo cáo viên đã trình bày một lần với đối tượng đó để nắm rõ hơn nhu cầu thông tin và tâm thế chung của người nghe.
- Dựa trên kinh nghiệm của mình và qua quan sát, khảo sát nhanh tại chỗ khi tiếp xúc, giao tiếp với đối tượng để xác định./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 340.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr 159.