Tổ chức, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên (Phần I)

Báo cáo viên, tuyên truyền viên là chức danh để chỉ những người làm công tác tuyên truyền miệng trong tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng và cơ quan nhà nước.

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN (Phần I)

 

I. BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN

1. Khái niệm, vai trò, sự cần thiết xây dựng và tổ chức đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên

a. Khái niệm báo cáo viên, tuyên truyền viên

 Báo cáo viên, tuyên truyền viên là chức danh để chỉ những người làm công tác tuyên truyền miệng trong tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng và cơ quan nhà nước.

 Báo cáo viên và tuyên truyền viên đều là người làm công tác tuyên truyền miệng, nhưng có vị trí và đặc điểm hoạt động khác nhau:

- Báo cáo viên do cấp ủy lựa chọn và ra quyết định công nhận, được tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện. Phương thức hoạt động chủ yếu của báo cáo viên là thuyết trình, diễn thuyết, nói chuyện trực tiếp theo chủ đề trước nhiều người nghe.

- Tuyên truyền viên là lực lượng tuyên truyền miệng được tổ chức ở cấp cơ sở. Về nguyên tắc, mọi cán bộ, đảng viên đều có nhiệm vụ làm tuyên truyền viên, vận động, cổ động, thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phương thức hoạt động chủ yếu của tuyên truyền viên là vận động trực tiếp từng người, từng nhóm trong sinh hoạt, lao động, công tác, học tập hàng ngày. Đây là sự khác biệt chủ yếu giữa báo cáo viên với tuyên truyền viên.

 Hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, trở thành lực lượng tuyên truyền miệng có tổ chức, có hệ thống từ Trung ương xuống tới đảng bộ, chi bộ cơ sở, tới tận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thường xuyên gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.

b. Vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên

 Chỉ thị số 14- CT/TW, ngày 03/8/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV; Thông báo 71-TB/TW, ngày 07/6/1997 của Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII, cũng như Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư khóa X đều khẳng định: Báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa tiếng nói của Đảng trực tiếp đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng.

 Báo cáo viên, tuyên truyền viên không chỉ có nhiệm vụ thông tin thuần túy mà còn định hướng thông tin, tuyên truyền, vận động, góp phần định hướng suy nghĩ và hành động của mọi người theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thực hiện thông tin hai chiều, nắm bắt và hướng dẫn dư luận xã hội. Vì vậy, báo cáo viên, tuyên truyền viên không chỉ là kênh thông tin quan trọng, mà còn là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

 Hoạt động của báo cáo viên và tuyên truyền viên góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

 Báo cáo viên, tuyên truyền viên là chiến sĩ tiên phong đấu tranh phê phán các tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, cơ hội, chống các quan điểm sai trái, chống chiến lược "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, nhất là trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

c. Sự cần thiết xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên

Việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn sau:

- Xuất phát từ những ưu thế đặc trưng của công tác tuyên truyền miệng, mà không có một hình thức và phương tiện tuyên truyền nào có thể thay thế.

- Xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong quá trình tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng và đã sử dụng công tác tuyên truyền miệng như một phương thức hoạt động có hiệu quả, công cụ sắc bén để tổ chức, tập hợp quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

- Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuyên truyền miệng góp phần đấu tranh chống lại chiến lược "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi  tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các tiêu cực xã hội khác.

- Xuất phát từ những yêu cầu bức xúc cần phải tăng cường định hướng thông tin trong điều kiện bùng nổ thông tin toàn cầu; tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp khó lường; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

 2. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của báo cáo viên,

Theo các quy định của Đảng, báo cáo viên, tuyên truyền viên có chức năng, nhiệm vụ sau:

- Cung cấp thông tin, bao gồm cả những thông tin có tính nội bộ, về tình hình quốc tế, trong nước; tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giải thích các quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

- Phân tích, bình luận, làm rõ nội dung, ý nghĩa chính trị của các sự kiện, các nhiệm vụ. Trên cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, xác đáng, có sức thuyết phục cao, báo cáo viên làm rõ bản chất các sự vật, hiện tượng, từ đó chỉ ra các nguyên nhân, dự báo chiều hướng, khả năng và triển vọng của tình hình, định hướng thông tin, nhất là những thông tin có tính chính trị cao.

- Động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng công tác và hiệu quả sản xuất.

 3. Yêu cầu đối với báo cáo viên,

Theo Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10-11-2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương, báo cáo viên, phải được lựa chọn, bồi dưỡng và rèn luyện theo những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, đó là hai yếu tố hợp thành mô hình nhân cách của một báo cáo viên, tuyên truyền viên.

a. Những tiêu chuẩn về phẩm chất:

- Có lập trường quan điểm đúng đắn, có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu lý tưởng và sự nghiệp đổi mới của Đảng.

- Có tính đảng, tính chiến đấu và ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn.

- Có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao; nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp, khiêm tốn học hỏi, gương mẫu và có mối quan hệ tốt với mọi người.

b. Những tiêu chuẩn chủ yếu về năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên:

- Nắm vững lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có trình độ lý luận chính trị cao cấp đối với báo cáo viên cấp Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh; trình độ lý luận chính trị trung cấp đối với báo cáo viên cấp huyện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đối với báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có hiểu biết nhất định về các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học.

- Có hiểu biết thực tiễn, có năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin. Biết vận dụng tri thức tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng.

- Có khả năng diễn đạt rõ ràng, truyền cảm và thuyết phục các vấn đề của bài nói, có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Có năng lực tự chủ, khả năng giao tiếp, luôn chủ động, nhạy bén trong quá trình đối thoại với người nghe, với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngoài những tiêu chuẩn chủ yếu trên, báo cáo viên cần được lựa chọn và bồi dưỡng từ những người có năng khiếu, sở trường về tuyên truyền miệng, có ngoại hình tốt, giọng nói, phong cách giao tiếp và diễn đạt thuyết phục.

c. Nhiệm vụ rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên

Yêu cầu đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên là không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần phải:

- Rèn luyện bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén chính trị để nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, không tùy tiện phát ngôn theo tùy hứng chủ quan; thận trọng, nhưng dám nói lên sự thật, nói đúng sự thật, bảo vệ chân lý một cách phù hợp.

- Rèn luyện tinh thần độc lập suy nghĩ, có ý thức trách nhiệm cao, nhiệt tình, sẵn sàng với công việc được giao. Báo cáo viên phải có lòng yêu nghề, coi tuyên truyền miệng như một nghề nghiệp, gắn bó, tâm huyết, trách nhiệm, niềm tin để truyền tâm huyết, niềm tin đến người nghe.

- Rèn luyện khả năng phân tích, phương pháp trình bày, nhất là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nói, biểu cảm; kế thừa, nhưng không bắt chước máy móc những phương pháp mà người khác đã trình bày.

- Tự rèn luyện kỹ năng nói, kỹ năng giao tiếp và tổ chức một buổi tuyên truyền miệng bằng cách tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và thâm nhập thực tế của ngành, địa phương.

- Thường xuyên tham dự các hội nghị thông tin, lớp tập huấn, bồi dưỡng để được cung cấp thông tin mới, phương pháp nghiệp vụ, nhất là đối với những báo cáo viên mới tham gia công tác; tăng cường tự học, tự nghiên cứu để có hiểu biết toàn diện, sâu rộng về kiến thức xã hội.

4. Lãnh đạo và chỉ đạo công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên

a. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác của báo cáo viên, tuyên truyền viên

Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, đã khẳng định: “... Công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy, tất cả cấp ủy các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng, trực tiếp tham gia tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” và “Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của ngành, cấp và đơn vị mình, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu thế của công tác tuyên truyền miệng trên mặt trận tư tưởng- văn hóa”.

Các văn bản chỉ đạo trên của Đảng đã chỉ rõ nội dung sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên bao gồm:

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây là sự thể hiện cụ thể quan điểm của Đảng ta coi báo cáo viên, tuyên truyền viên là đội ngũ tuyên truyền miệng có tổ chức của Đảng, do Đảng lựa chọn và quyết định, là công cụ quan trọng hàng đầu trong việc trực tiếp tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, truyền đạt quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

- Quán triệt, nâng cao nhận thức của tổ chức Đảng, trước hết là đồng chí bí thư, của cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngay trong nội bộ Đảng và trong nhân dân.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc xây dựng và ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên của cấp ủy, trong đó quy định rõ vị trí quan trọng và chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tiêu chuẩn, chế độ chính sách và quyền hạn của đội ngũ của báo viên của cấp ủy để báo cáo viên dựa vào những quy định thống nhất hoạt động.

- Quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên và công nhận báo cáo viên của cấp ủy (có sự bổ sung, điều chỉnh định kỳ). Chỉ đạo, định hướng những nội dung quan trọng về chương trình, kế hoạch đề tài. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp mình cho đội ngũ báo cáo viên.

b. Vai trò của Ban Tuyên giáo đối với công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên

Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.

- Lựa chọn, đề xuất với cấp ủy ra quyết định công nhận thành lập và công nhận là báo cáo viên của cấp ủy cùng cấp.

Hệ thống báo cáo viên được tổ chức ở tất cả các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, thành, huyện, quận; ở tất cả các tổ chức, ban ngành đoàn thể, các đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an), trong các hội quần chúng. Báo cáo viên các cấp do Ban Tuyên giáo tham mưu đề xuất và cấp uỷ cùng cấp ra quyết định công nhận.

Xây dựng đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng theo yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền trong từng giai đoạn cách mạng. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp. Ban Tuyên giáo đề xuất để cấp uỷ quyết định số lượng báo cáo viên, chú trọng chất lượng, không nhất thiết phải là cấp ủy viên mà lựa chọn những người có phẩm chất, có năng lực, đặc biệt là năng lực tuyên truyền miệng, có điều kiện và thời gian hoạt động. Thông thường, số lượng báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương có từ 30 đến 50 người; cấp quận, huyện và tương đương có từ 30; mỗi xã, phường và đảng bộ cơ sở 1 người.

- Dựa trên Quy chế hoạt động của báo cáo viên do Trung ương ban hành, xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên của ngành, địa phương.

- Xây dựng và hướng dẫn hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở.

- Dựa vào định hướng và những nội dung thông tin của cấp trên và căn cứ vào nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ sở xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch đề tài hàng năm, 6 tháng và hằng tháng để báo cáo với cấp ủy thông qua.

- Định kỳ tổ chức các hội nghị thông tin cho báo cáo viên để cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho báo cáo viên. Trong các hội nghị báo cáo viên chú trọng xử lý yêu cầu thông tin của báo cáo viên đến dự hội nghị và yêu cầu định hướng thông tin của cấp ủy để lựa chọn những người đến báo cáo các chuyên đề. Kết hợp vừa có thông tin miệng vừa có văn bản, tài liệu để báo cáo viên dựa vào đó thông tin kịp thời cho đảng bộ, chi bộ trong các kì sinh hoạt hàng tháng.

- Trực tiếp giúp cấp ủy chỉ đạo và quản lý hoạt động báo cáo viên, quan tâm cung cấp các trang thiết bị cho, Trường chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện để tổ chức các hội nghị thông tin, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên tuyền miệng; các chế độ, chính sách với báo cáo viên.

- Theo dõi kiểm tra hoạt động của báo cáo viên; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; khen thưởng, động viên kịp thời các báo cáo viên có thành tích xuất sắc, rút kinh nghiệm và báo cáo với cấp ủy thay thế những báo cáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, không thực sự hoạt động; kiến nghị với cấp ủy những vấn đề về nội dung hoạt động và sửa đổi bổ sung các quy định, chế độ, chính sách đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên.