Tổ chức, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên (Phần III)
(Tiếp Phần II)
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN (Phần III)
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là đồng chí bí thư, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; của mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, nhất là công tác tuyên truyền miệng ở cấp cơ sở. Tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có chất lượng, khắc phục tình trạng đông nhưng không mạnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động tuyên truyền miệng. Xây dựng chế độ thù lao phù hợp với tính đặc thù nghề nghiệp của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng.
2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu độc, đưa thông tin tích cực trở thành dòng chủ đạo, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
a. Nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền miệng
- Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng, từ đó nâng cao trách nhiệm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy thế mạnh, hiệu quả của loại hình tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
+ Tiếp tục xác định tuyên truyền miệng là nhiệm vụ, là kênh thông tin quan trọng; góp phần vào việc truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
+ Tạo sự chuyển biến, nhất quán trong nhận thức về công tác tuyên truyền miệng, xem đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là cấp uỷ các cấp và đồng chí bí thư cấp uỷ, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của tất cả đảng viên, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các cấp uỷ đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác lãnh đạo xây dựng, quản lý, chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của ngành, cấp và đơn vị mình.
- Ban Tuyên giáo các cấp cần nhận thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tuyên truyền miệng, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
- Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, thực hiện tốt vai trò là cầu nối, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
b. Tiếp tục đổi mới về nội dung và phương pháp tuyên truyền miệng
- Đổi mới về nội dung:
Xuất phát từ yêu cầu giáo dục toàn diện (bao gồm giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học) cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, cần xây dựng nội dung tuyên truyền miệng toàn diện, đa dạng, phong phú. Trước mắt, đổi mới theo hướng cân đối giữa nội dung mang tính cơ bản, chiến lược và nội dung có tính thời sự, “nóng”, bức xúc, “nhạy cảm”. Lựa chọn, xây dựng nội dung các chuyên đề chuyên sâu phù hợp với chủ đích tuyên truyền và nhu cầu của đối tượng.
- Đổi mới về phương pháp:
+ Đẩy mạnh thông tin hai chiều thông qua trao đổi, đối thoại, giải đáp. Chủ động truyền đạt nội dung theo chủ đích, rõ tính định hướng; đồng thời, lắng nghe, nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phản ánh và đề xuất giải pháp với cấp ủy.
+ Sử dụng linh hoạt các hình thức trong tuyên truyền miệng, như: thông báo nhanh, báo cáo chuyên đề, giới thiệu nghị quyết, chính sách, pháp luật, thông tin thời sự, tổng thuật các sự kiện (có bình luận), báo cáo điển hình, gương người tốt việc tốt. Kịp thời cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên bằng nhiều hình thức phù hợp, trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hội nghị báo cáo viên.
c. Mở rộng sự lan tỏa và khắc phục sự chậm trễ về thông tin chính thống ở cơ sở
- Các cấp ủy cần chủ động và tích cực hơn nữa trong viêc lựa chọn hình thức hội nghị báo cáo viên trực tuyến. Kết hợp linh hoạt tuyên truyền miệng trực tiếp và tuyên truyền miệng trực tuyến. Chỉ tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tiếp khi nội dung thông tin là những vấn đề có tính bí mật nội bộ và “nhạy cảm”, với đối tượng hẹp, có tính đặc thù. Dựa vào tiện ích của khoa học, công nghệ, internet, mạng xã hội có thể hình thành các nhóm: “nhóm báo cáo viên Trung ương”, “nhóm báo cáo viên cấp tỉnh” hoặc “nhóm báo cáo viên cấp huyện”… và thông qua mạng xã hội, các nhóm này nhanh chóng tiếp nhận và lan tỏa các thông tin chỉ đạo, định hướng.
- Ở tuyến huyện: hằng tháng, Ban Tuyên giáo cấp huyện chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị tổ chức hội nghị cung cấp thông tin tình hình chính trị, thời sự, định hướng dư luận xã hội cho cán bộ chủ chốt của huyện, xã và bí thư chi bộ thôn, bản (nơi có điều kiện).
- Đối với tuyến cơ sở: đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, cần duy trì và thực hiện nghiêm quy định về hội nghị cung cấp thông tin thông qua đội ngũ báo cáo viên cấp huyện phụ trách địa bàn và lực lượng tuyên truyền viên cơ sở. Bí thư các chi bộ thực hiện nghiêm túc việc thông tin định hướng về tình hình quốc tế, trong nước có tính thời sự cho toàn thể đảng viên của chi bộ, vào kỳ sinh hoạt chi bộ hằng tháng.
- Khi xuất hiện những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, đột xuất được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, Ban Tuyên giáo Trung ương cần nhanh chóng tổ chức Hội nghị báo cáo viên (đột xuất) hoặc xây dựng nội dung thông tin ngắn gọn, rõ tính định hướng và thông qua App Thông tin tuyên giáo, mạng LAN, internet, mạng xã hội (nhóm những người hoạt động báo cáo viên) từ đó, tiếp tục lan tỏa rộng ra đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên ở cơ sở.
- Tăng cường cung cấp thông tin có tính định hướng cho các nhóm đối tượng đặc thù: (1) Đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản và một số nhóm đối tượng đặc thù dễ nằm ngoài sự tác động của công tác tư tưởng,... (2) Những người còn có ý kiến khác do định kiến, thiếu thông tin hoặc bất mãn với cấp ủy, chính quyền cần định kỳ hoặc đột xuất tổ chức trao đổi, đối thoại để tìm tiếng nói chung và từng bước chuyển hóa nhận thức của họ; riêng đối tượng cực đoan cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái một cách thuyết phục, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
d. Tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tổ chức đội ngũ báo cáo viên theo hướng giảm về số lượng, tăng về chất lượng, hợp lý về thành phần và cơ cấu, có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có khả năng truyền thụ hiệu quả, tạo được hiệu ứng tích cực, tạo sự tin tưởng cao đối với người nghe.
Tập trung rà soát bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, đặc biệt coi trọng việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá (về nhận thức, về thái độ, về hành vi), theo dõi, nhận xét của cấp ủy để làm cơ sở xem xét, thay thế những báo cáo viên không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ. Đối với đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã cần có quy định, điều chỉnh về số lượng phù hợp với quy mô, tính chất đặc thù và đặc điểm vùng, miền để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn ở cơ sở.
- Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin đặc biệt đối với đội ngũ báo cáo viên, cho phép đội ngũ báo cáo viên được tiếp cận thông tin nội bộ do thường trực cấp ủy cùng cấp cung cấp, nhất là những thông tin phục vụ công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc.
- Nâng cao chất lượng và tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó, chú trọng việc cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng, cách giải quyết các tình huống trong hoạt động tuyên truyền miệng.
- Báo cáo viên, tuyên truyền viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thể hiện rõ trách nhiệm và nghĩa vụ là người phát ngôn của cấp ủy, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, lý tưởng sống, giữ vững kỷ luật trong nói và viết; đồng thời, đề cao dân chủ, tăng cường đối thoại, cầu thị lắng nghe và giải đáp một cách thuyết phục, dựa trên những tri thức khoa học và kinh nghiệm của thực tiễn.
e. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, rà soát bổ sung chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ, phục vụ công tác tuyên truyền miệng như: Hội trường, hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, máy tính và các phương tiện khác. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, độ bảo mật cao, bảo đảm việc kết nối trực tuyến thông suốt từ Trung ương tới tuyến huyện, nơi có điều kiện thì kết nối đến tuyến xã. Đồng thời, rà soát bổ sung chính sách đãi ngộ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã (phường, thị trấn).
g. Chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, tôn vinh, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền miệng
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng từ Trung ương tới cơ sở; kịp thời phát hiện, động viên những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền miệng, đồng thời nhắc nhở, phê bình những đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết theo định kỳ (hoặc đột xuất theo yêu cầu), trên cơ sở đó kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.
(--- Hết ---)