Kỹ năng lựa chọn, nghiên cứu, xử lý tài liệu để xây dựng đề cương tuyên truyền miệng
Lựa chọn, thu thập tài liệu, nghiên cứu và xử lý tài liệu là một nhiệm vụ quan trọng vì nó là cơ sở để lựa chọn nội dung tuyên truyền và là yếu tố tạo ra chất lượng cho một buổi tuyên truyền miệng.
KỸ NĂNG LỰA CHỌN, NGHIÊN CỨU, XỬ LÝ TÀI LIỆU ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Lựa chọn, thu thập tài liệu, nghiên cứu và xử lý tài liệu là một nhiệm vụ quan trọng vì nó là cơ sở để lựa chọn nội dung tuyên truyền và là yếu tố tạo ra chất lượng cho một buổi tuyên truyền miệng.
Nguồn tài liệu quan trọng nhất mà báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên sử dụng là các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ănghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Đây vừa là nội dung, vừa là cơ sở lý luận - tư tưởng của nội dung tuyên truyền. Người làm công tác tuyên truyền miệng phải có kiến thức vững chắc và có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để trên cơ sở đó đánh giá, phân tích các sự kiện, hiện tượng được đề cập trong bài nói.
Các loại từ điển, số liệu thống kê chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, giúp tra cứu các khái niệm, khai thác số liệu liên quan đến các vấn đề trong bài nói. Các báo cáo hằng tháng, quý (Ví dụ: Công báo, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý đã đăng công khai trên báo chí); báo cáo sơ kết, tổng kết của các cấp, các ngành...
Các tạp chí nghiên cứu phù hợp với nội dung tuyên truyền; sổ tay tuyên truyền, sổ tay báo cáo viên... Đây là những tài liệu cung cấp nội dung và nghiệp vụ tuyên truyền rất thiết thực, bổ ích. Tạp chí cung cấp những thông tin khái quát, mang tính lý luận, nhưng tính thời sự ít hơn so với báo. Cần chú ý rằng, một tờ báo có thể cung cấp thông tin về những sự việc, sự kiện nhiều người đã biết. Tuy nhiên, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần thông qua các sự việc, sự kiện đó để phân tích, rút ra ý nghĩa chính trị, tư tưởng nằm sâu trong cái diễn ra hàng ngày mà ai cũng biết ấy.
Các bản tin nội bộ, tài liệu tham khảo (dùng cho báo cáo viên), thông tin được cung cấp qua hội nghị báo cáo viên định kỳ... ; ngoài ra có thể sử dụng các băng ghi âm, ghi hình do các cơ quan có trách nhiệm cung cấp; các thông tin thu được nhờ nghiên cứu, tham quan thực tế các điển hình tiên tiến và các di tích lịch sử - văn hoá...
Các sách chuyên khảo, tham khảo phù hợp với nội dung tuyên truyền là nguồn tài liệu rất quan trọng. Qua các tài liệu này có thể thu thập khối lượng lớn kiến thức có hệ thống, sâu sắc cho nội dung chuyên đề.
Các tác phẩm văn học để khai thác hình tượng văn học, câu nói, câu thơ liên quan, làm nổi bật ý của bài tuyên truyền miệng.
Ngoài các nguồn tài liệu trên, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể sử dụng cả tài liệu của nước ngoài, của các thế lực thù địch để tìm hiểu quan điểm và lập luận của họ, để chủ động đấu tranh phê phán, phản bác. Nhưng việc sử dụng trên phải thận trọng.
Thoạt đầu nên đọc lướt qua mục lục, lời chú giải (nếu có) của từng tài liệu cũng như của tất cả các tài liệu đã thu nhận được để trên cơ sở đó hình thành quan niệm về nội dung, kết cấu bài nói. Sau đó, đọc kỹ, tìm cái mới, có phân tích, suy nghĩ, lựa chọn. Có thể đọc tài liệu phản diện để hiểu nội dung và cách xuyên tạc của các thế lực xấu, xây dựng lập luận phê phán sát với nội dung, có hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu của bài phát biểu, bài tuyên truyền miệng.
Tùy theo kinh nghiệm của mỗi người để ghi chép sao cho đạt được mục tiêu: Hệ thống, dễ đọc, dễ tìm…, ghi tóm tắt những điều đã đọc được, có thể ghi thêm lời bình luận, hoặc bổ sung thêm những số liệu, ý kiến nhận xét khác... khi tài liệu cô đọng hoặc trừu tượng.
Khi cần giữ lại ý kiến của tác giả một cách hoàn chỉnh, có thể trích nguyên văn từng câu, từng đoạn và chú giải xuất xứ của đoạn trích (ghi rõ tên tác giả, tác phẩm, nơi xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản, số trang).
3. Một số lưu ý khi sử dụng tài liệu
Tài liệu phải phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và báo cáo viên, tuyên truyền viên phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi phải là người có vốn tri thức phong phú, vừa rộng, vừa sâu, có nhãn quan chính trị sắc bén. Muốn vậy, phải có ý thức tự tích lũy kiến thức, tư liệu thường xuyên, liên tục, bằng nhiều cách khác nhau.
Sau khi đọc, ghi chép, tiến hành lựa chọn những tư liệu mới nhất, có giá trị nhất, dự kiến có khả năng thu hút người nghe nhất đưa vào đề cương bài nói.
Chọn và sắp xếp tư liệu theo trình tự lôgíc để hình thành đề cương.
Cần chú ý: chỉ sử dụng những tư liệu rõ ràng, chính xác. Không dùng những tư liệu chưa rõ về quan điểm tư tưởng, thiếu chính xác về mặt khoa học. Cần tuân thủ nguyên tắc về chất lượng thông tin trong giao tiếp: Không nói điều mà mình chưa tin là đúng và những điều không đủ bằng chứng.
Trước khi sử dụng bất kỳ tư liệu nào đều phải xem xét nó bằng “lăng kính” của người cán bộ tư tưởng. Đó là sự nhạy cảm về tư tưởng, là bản lĩnh chính trị, là trách nhiệm người cán bộ trước Đảng, trách nhiệm công dân. Tuyệt đối không được để lộ bí mật của Nhà nước. Khi sử dụng các tài liệu mật, thông tin nội bộ cần xác định rõ vấn đề nào không được nói, hoặc chỉ được nói đến đối tượng nào. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên khi tuyên truyền miệng, nhất thiết phải có trách nhiệm định hướng tư tưởng, chính trị, cung cấp thông tin theo quan điểm của Đảng.
Sử dụng tài liệu là một kỹ năng, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của cán bộ tuyên truyền miệng. Cùng một lượng tài liệu như nhau, ai dày công và sáng tạo hơn sẽ có bài nói chuyện chất lượng cao hơn./.