Một số cách nói thu hút, duy trì sự chú ý và gây ấn tượng đối với người nghe

Một bài phát biểu có khả năng thu hút sự chú ý của người nghe là bài phát biểu có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo lôgic chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm.

MỘT SỐ CÁCH NÓI THU HÚT, DUY TRÌ SỰ CHÚ Ý VÀ GÂY ẤN TƯỢNG ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHE

Một bài phát biểu có khả năng thu hút sự chú ý của người nghe là bài phát biểu có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo lôgic chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm. Trong quá trình trình bày, có thể sử dụng các thủ thuật sau để tạo ra và duy trì sự chú ý ở người nghe:

Một là, tăng hàm lượng thông tin bằng cách xử lý tốt lượng dư thừa ngôn ngữ diễn đạt

Cán bộ, đảng viên, nhân dân đến nghe báo cáo viên, tuyên truyền viên nói chuyện bao giờ cũng mang theo mong muốn được nghe nhiều nhất những thông tin mới trong một buổi nói chuyện. Để lượng thông tin cao lên trong một đơn vị ngôn ngữ diễn đạt hay một đơn vị thời gian của một buổi nói chuyện, người nói hoặc phải “nén” vào bài nói nhiều thông tin mới hơn, giá trị hơn hoặc phải lược bớt những từ ngữ, những câu văn không chứa đựng nội dung thông tin mà trong lý thuyết thông tin người ta gọi là “lượng dư thừa”. Có nhà nghiên cứu gọi cách lược bỏ “lượng dư thừa” bằng cụm từ “vắt bớt nước lã trong một câu nói”. Rõ ràng, để bài nói nhiều thông tin, trở nên hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người nghe, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng cần học cách nói “ngôn thiểu, ý túc”, tức là cách nói hàm súc, ngắn gọn, ít từ, nhưng ý tứ phong phú, nhiều nghĩa.

Hai là, tăng sức hấp dẫn của thông tin bằng cách sử dụng yếu tố bất ngờ, cách trình bày độc đáo, khác biệt, mới lạ

Một bài nói, với cùng một nội dung thông tin, nhưng người nói biết dùng cách trình bày, cách đặt câu, sử dụng từ mới lạ, độc đáo, khác biệt, ít người hoặc chưa ai dùng thì rất có khả năng tạo ra sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý, hứng khởi của người nghe. Để tạo ra cái độc đáo cho sự trình bày, người nói có thể sử dụng cách nói so sánh, hình tượng; dùng từ “đắc địa”; đặt câu văn hay, sử dụng sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn… Chính vì vậy, một báo cáo viên, một tuyên truyền viên có kinh nghiệm thường tích lũy cho mình những châm ngôn, danh ngôn, những thành ngữ, tục ngữ, những câu văn hay và suy nghĩ về ngữ cảnh sử dụng chúng.

Ba là, nêu dồn dập các sự kiện

Mục đích của việc nêu dồn dập các sự kiện là tạo ra nhịp điệu cho bài nói, tạo nên cao trào của lời văn, tạo không khí hào hứng cho bài nói, qua đó thu hút sự chú ý ở người nghe.

Ví dụ, “Ngày 15/03/2010, một toa tàu của HSD4 văng ra khỏi đường sắt sau cú phanh gấp của tài xế.

Sau đó hai tuần, tại Vĩnh Linh, tàu hàng F12 chở lương thực bị lật khiến 5 toa tàu rời khỏi đường sắt xuống ruộng.

Ngày 17/10/2011, một đoàn tàu chở xăng dầu lật ngay trong sân ga Phủ Đức, Việt Trì.

Ngày 28/03/2011, một toa chở container lật ngay trong sân ga Đà Nẵng. Ngày 14/10 năm đó, một đầu tàu xe lửa bị trật bánh khỏi đường ray tại Thanh Trì, Hà Nội”.

Cách nêu dồn dập tai nạn tàu hỏa xảy ra trong 2 năm 2010 - 2011 làm cho người nghe chú ý, nhận thấy vấn đề an toàn chạy tàu và việc đầu tư cho giao thông đường sắt trở thành một vấn đề bức thiết của ngành giao thông vận tải và nó đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Bốn là, nắm vững kỹ năng sử dụng con số, số liệu thực tế

Dùng con số, số liệu thực tế trong tuyên truyền miệng mang các ý nghĩa quan trọng sau:

- Con số, số liệu thực tế có thể chứng minh cho một luận điểm, một quan điểm, một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này con số, số liệu thực tế có tác dụng như một luận cứ.

- Con số, số liệu thực tế làm tăng tính thực tiễn cho bài phát biểu, có tác dụng to lớn trong việc thuyết phục người nghe tin vào chủ đề tuyên truyền.

- Số liệu thực tế làm cho các vấn đề lý luận và đường lối, chính sách trở nên có sức sống, gắn với đời sống xã hội và mang tính cụ thể, thiết thực.

Con số, số liệu thực tế thường được sử dụng trong các bài giảng lý luận chính trị; bài giới thiệu, quán triệt nghị quyết của Đảng; các bài thông tin thời sự về tình hình trong nước, quốc tế, bài nói về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng, quý, năm…

Sử dụng số liệu thực tế, con số sao cho người nghe dễ hiểu, không choáng ngợp bởi hàng dãy biểu bảng, hàng trang con số dài dòng là điều rất khó. Có nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng sao cho con số, số liệu thực tế mang nhiều ý nghĩa tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người nghe mới là vấn đề quan trọng nhất, chứ không phải là việc đưa ra nhiều con số. Với ý nghĩa đó, có thể khuyến nghị một số kỹ năng sử dụng con số như sau:

- Làm tròn số cho dễ nhớ, dễ trình bày;

- Đổi con số thành hình ảnh để người nghe có thể hình dung dễ dàng mà có người gọi là “vẽ ra cho người ta thấy”.

Có thể sử dụng phép so sánh để người nghe ngoài việc hiểu còn phải làm cho họ trông thấy những ý đó.

- Sử dụng quy tắc tác động tâm lý để làm cho một con số lớn nhưng nghe xong người ta cảm nhận nó là nhỏ, hoặc ngược lại một số nhỏ nhưng người nghe lại có cảm giác lớn.

- Tìm ra trong dãy số các con số ấn tượng nhất mà thường là các con số lớn nhất, nhỏ nhất và so sánh chúng với những con số khác để làm tăng ý nghĩa kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội của chúng.

Năm là, phát biểu theo kiểu “ngẫu hứng tự do”, thoát ly đề cương

“Ngẫu hứng, tự do” là thuật ngữ dùng để chỉ những bài nói chuyện mà người nói do nắm vững vấn đề, nhập tâm, tâm huyết với chủ đề đang bàn luận nên trình bày vấn đề một cách nhuần nhuyễn nhất, tự do nhất nhưng vẫn trong khuôn khổ của một đề cương logic được người nói nhớ rất kỹ.

Ngẫu hứng tự do hiểu như vậy không phải là muốn nói gì thì nói, mà là cách nói thoát ly giáo án, thoát ly đề cương, không lệ thuộc vào câu chữ của đề cương, là cách trình bày nội dung của đề cương đã chuẩn bị bằng vốn kiến thức phong phú, sâu sắc, vốn ngôn ngữ đa dạng và khả năng vận dụng ngôn ngữ sáng tạo. Bởi vậy muốn phát biểu thoát ly đề cương, người nói phải: (1) Có trí nhớ tốt để nhớ đề cương; (2) Có kiến thức phong phú, hiểu thực chất, nhuần nhuyễn vấn đề để có thể thoát ly giáo án, thoát ly đề cương mà vẫn nói đúng, phát ngôn chuẩn mực; (3) Có khả năng huy động kiến thức trong trí nhớ theo logic của vấn đề; (4) Vốn ngôn ngữ phong phú, khả năng vận dụng ngôn ngữ tốt, nhiều sáng tạo; (5) Giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nội dung bài nói.

Sáu là, trình bày vấn đề một cách cụ thể, hình tượng hóa, cụ thể hóa sự vật, hiện tượng, vấn đề

Việc hình tượng hóa hoặc cụ thể hóa sự vật, hiện tượng, vấn đề được đề cập trong bài nói sẽ làm cho người nghe dễ hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, vấn đề. Điều này rất quan trọng đối với những bài giảng lý luận chính trị (triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học), bài giới thiệu đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng. Bởi vì loại hình bài nói này có tính lý luận, tính khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao. Nếu người nói không biết cụ thể hóa các khái niệm, phạm trù, quy luật, luận điểm lý luận bằng các ví dụ cụ thể, sinh động, thì bài nói trở nên giáo điều, khô khan, xa rời thực tiễn, khiến người nghe khó hiểu, khó tiếp thu.

Bảy là, sử dụng một số biện pháp ngôn ngữ như dùng từ láy, ẩn dụ, nói quá, sử dụng câu đảo đối, câu đối chọi, câu ẩn chủ ngữ, câu có bổ ngữ đứng ở trước,….

- Sử dụng câu đảo đối là việc thay đổi vị trí của các thành phần được lặp lại trong câu hoặc trong đoạn văn nhằm cung cấp thông tin bổ sung làm nổi bật sự kiện. Ví dụ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”[1].

- Phép ẩn dụ, thực chất là so sánh ngầm, trong đó vế so sánh bị giản lược đi chỉ còn lại vế được so sánh. Trong phát biểu miệng, ẩn dụ nhờ tính năng thể hiện hình ảnh cụ thể, là một phương tiện quan trọng làm gia tăng tính biểu cảm cho ngôn từ. Ví dụ: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”[2].

- Sử dụng kiểu câu sóng đôi là việc dùng các câu hoặc các bộ phận của câu có cấu tạo giống nhau. Kiểu câu sóng đôi làm cho câu văn có tính nhịp nhàng, mang âm điệu thiết tha, náo nức, hấp dẫn. Ví dụ: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3]./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 114

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 2

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 534