Một số kỹ năng khôi phục và tăng cường sự chú ý của người nghe trong buổi tuyên truyền miệng

Trong quá trình thực hiện buổi tuyên truyền miệng, do những nguyên nhân nào đó, sự chú ý của người nghe có thể bị giảm. Khi xảy ra trường hợp như vậy, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải biết phát hiện nhờ việc quan sát thái độ và hành vi của người nghe và chủ động tìm cách khắc phục.

MỘT SỐ KỸ NĂNG KHÔI PHỤC VÀ TĂNG CƯỜNG SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI NGHE TRONG BUỔI TUYÊN TRUYỀN MIỆNG

Trong quá trình thực hiện buổi tuyên truyền miệng, do những nguyên nhân nào đó, sự chú ý của người nghe có thể bị giảm. Khi xảy ra trường hợp như vậy, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải biết phát hiện nhờ việc quan sát thái độ và hành vi của người nghe và chủ động tìm cách khắc phục. Dựa trên những quy luật tâm - sinh lý, người ta đưa ra một số kỹ năng, thủ thuật sau mà báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể áp dụng để khôi phục và tăng cường sự chú ý:

1. Cử chỉ, vận động và sự kết hợp chúng với các thủ thuật khác

Về cử chỉ, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể sử dụng một động tác bất ngờ nào đó như “chém tay” hoặc thể hiện một trạng thái tình cảm trên nét mặt, nụ cười…

Về sự vận động, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể rời bục giảng tiến gần về phía người nghe hoặc đi vào giữa hội trường tiếp tục nói. Sự vận động về vị trí như thế này có tác dụng thay đổi trạng thái tương tác, tạo ra sự gần gũi, đồng cảm xúc nên rất có tác dụng trong việc tái lập sự chú ý.

2. Thủ thuật âm thanh

Báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể nói to lên hoặc ngược lại nói nhỏ đi gần như nói thầm. Cách nói to để tái lập sự chú ý ở người nghe là sự vận dụng quy luật tâm - sinh lý như đã trình bày trên. Ngoài ra, việc giảm âm lượng, nói nhỏ đi gần như nói thầm hoặc nói chậm lại theo kiểu sắp chữ thưa cũng có tác dụng nhất định trong việc tái lập sự chú ý.

3. Sử dụng các phương tiện trực quan và kết hợp các phương tiện đó với phương tiện ngôn ngữ

Sử dụng phương tiện trực quan rất có tác dụng trong việc tạo lập sự hứng thú ở người nghe, đặc biệt là khả năng tái lập sự chú ý của nó. Bởi vì, khi báo cáo viên, tuyên truyền viên thuyết trình bằng ngôn ngữ nói, người nghe tri giác thông tin bằng thính giác. Còn khi báo cáo viên, tuyên truyền viên sử dụng phương tiện trực quan thì người nghe tri giác thông tin bằng thị giác, cảm giác hoặc khứu giác, vị giác. Kênh tri giác thông tin được thay đổi, theo đó người nghe sẽ không bị nhàm chán bởi cách thuyết trình bằng lời trong khoảng thời gian dài, liên tục. Ngoài ra, sử dụng phương tiện trực quan rất có ý nghĩa trong việc tác động để đối tượng nhanh chóng thay đổi quan điểm và hành vi. Dân gian Việt Nam có câu “Trăm nghe không bằng một thấy” là với ý nghĩa như trên.

Phương tiện trực quan thường được sử dụng trong tuyên truyền miệng là: bảng viết, bảng lật, giấy khổ to, máy chiếu đa năng, video clip, sơ đồ, bản đồ, biểu bảng, hiện vật, mẫu vật, sa bàn, tranh ảnh, đồ họa…

4. Thay đổi trạng thái giao tiếp từ độc thoại sang đối thoại bằng cách đặt câu hỏi, phỏng vấn hoặc chuyển sang sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, làm việc theo nhóm nhỏ

Công tác tuyên truyền miệng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi báo cáo viên, tuyên truyền viên sử dụng ngày càng nhiều hơn các phương pháp tích cực, hiện đại, các phương pháp đối thoại, mang tính dân chủ, tính tương tác cao, kích thích được tư duy độc lập, sáng tạo ở người nghe.

Việc sử dụng quá nhiều, quá lâu các phương pháp độc thoại trong một buổi nói chuyện có thể là một trong những nguyên nhân chính làm cho người nghe giảm thiểu sự chú ý. Vì vậy, bằng óc quan sát sư phạm, nếu báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng phát hiện ra đối tượng người nghe đang bị phân tán tư tưởng, thờ ơ, giảm thiểu sức chú ý thì có thể lựa chọn cách khắc phục này.

Khi người nghe được lôi cuốn tham gia tích cực vào bài nói, nhất là những bài giảng, báo cáo chuyên đề, tức là báo cáo viên, tuyên truyền viên đã đánh thức, tái lập sự chú ý đã bị mất đi trước đó. Kỹ năng này đặc biệt hiệu quả đối với đối tượng trẻ tuổi - những người luôn thích sự chủ động, sự đổi mới và mong muốn cháy bỏng được thể hiện mình.

5. Sử dụng yếu tố hài

Yếu tố hài hước rất hay được các nhà hùng biện, người diễn thuyết sử dụng để giải tỏa sự căng thẳng, giúp người nghe thư giãn, kích thích sự hưng phấn nghe khi bài nói đề cập đến những vấn đề phức tạp, trừu tượng, khó hiểu, được trình bày, phân tích trong thời gian dài.

Kỹ năng hài hước, trong nghệ thuật diễn thuyết, được chọn sử dụng cả khi bắt đầu và kết thúc bài nói lẫn trong quá trình diễn thuyết. Kỹ năng này được sử dụng rất hiệu quả để tái lập sự chú ý của người nghe.

Vận dụng kỹ năng này, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể kể các câu chuyện cười dân gian hoặc hiện đại có sẵn mà mình tích lũy được, hoặc chuyển sang cách nói hài hước nếu cảm thấy có khả năng, hoặc sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ mà người ta hay dùng trong xây dựng các câu chuyện cười như: chơi chữ, nói lái, nói tước bỏ ngữ cảnh, nói thiếu, nói hàm ngôn…

Ngoài các câu chuyện cười mà mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên cần thường xuyên chọn lọc, tích lũy và suy nghĩ về ngữ cảnh sử dụng, có thể tích lũy và chọn ngữ cảnh sử dụng những truyện cổ tích, truyện dân gian để “mượn xưa nói nay”, làm cho buổi nói chuyện của mình thêm sâu sắc, nhẹ nhàng.

Có thể nói: Chú ý là “cửa ải” mà qua đó tất cả những gì người nói muốn truyền đạt, muốn tác động đến với người nghe cần đi qua. Cho nên, trong quá trình phát biểu, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có kỹ năng tạo lập, kích thích sự chú ý ở người nghe và duy trì, giữ gìn sự bền vững của nó trong suốt thời gian buổi nói chuyện. Đồng thời phải biết tái lập, tăng cường khi sức chý ý có dấu hiệu bị suy giảm hoặc bị mất đi./.