Chuẩn bị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước

Đây là dịp nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật...

Ngày 14/4, tại Hà Nội, Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). 

Quang cảnh Tọa đàm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 3775-CV/VPTW, ngày 16/5/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng; Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025; nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết.

Đây là dịp đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm thống nhất đất nước từ tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước về văn học nghệ thuật, quá trình đổi mới tư duy sáng tạo... trên cơ sở đúc kết bài học, đề xuất vấn đề có tính chiến lược cho văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

Mục đích của các hoạt động tổng kết nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất trên các phương diện cơ bản như: Tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước về văn học, nghệ thuật,...

Trên cơ sở đó, đúc kết bài học, quy luật phát triển, đề xuất những vấn đề có tính chất chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới; chủ động đóng góp vào quá trình chuẩn bị nội dung văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thông qua các hoạt động tổng kết, tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật; hiểu rõ và trân trọng những đóng góp của văn học, nghệ thuật.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp chi tiết vào nội dung, chương trình của từng hoạt động, từng sự kiện…. Các ý kiến nhấn mạnh, việc tổ chức các hoạt động tổng kết phải bảo đảm tính khách quan, khoa học, biện chứng, bám sát thực tiễn văn học, nghệ thuật và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; có tính kế thừa, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; phát huy dân chủ, huy động đóng góp tối đa của các cơ quan, tổ chức khoa học, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào quá trình tổng kết...

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại buổi toạ đàm. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tham khảo, hoàn thiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù còn 2 năm nữa nhưng Ban soạn thảo đã tham mưu, đề xuất kế hoạch khá chi tiết cụ thể về những sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực. Qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí đề nghị Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu triệt để, báo cáo đồng chí Trưởng Ban để hoàn thiện Kế hoạch; sớm ban hành để các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, gắn kết với các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng, với tiền đồ và tương lai đất nước; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.