Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của báo Đảng địa phương
Các cơ quan báo Đảng địa phương phải xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là nhiệm vụ chính trị của tờ báo, là trách nhiệm xã hội của phóng viên đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ngày 18/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023 với chủ đề “Báo đảng địa phương với nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu”.
Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao vai trò của hệ thống báo Đảng trong quá trình tuyên truyền xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hoá kiểu mẫu. Với những bài viết sâu sắc, sức lan tỏa rộng rãi, những năm qua, các cơ quan báo Đảng địa phương đã kịp thời chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần xây dựng nông thôn mới trong Nhân dân.
Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, các cơ quan báo Đảng địa phương phải xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là nhiệm vụ chính trị của tờ báo, là trách nhiệm xã hội của phóng viên đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống; tạo niềm tin, khí thế, động lực mới thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 25 của Quốc hội khóa XV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, chủ động, tích cực đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, áp dụng các phương thức truyền thông mới, hiện đại, bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Xây dựng phương án truyền thông hiện đại về nông thôn mới để tiếp cận độc giả tuyên truyền cần sinh động, có dẫn chứng số liệu thực tế... Bên cạnh đó, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo Đảng trong khu vực để xây dựng, triển khai những tuyến bài lớn, có tính định hướng dẫn dắt về xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe, chia sẻ, trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các đơn vị như: sự vào cuộc của hệ thống chính trị; việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ; kinh nghiệm huy động nguồn lực trong nhân dân; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân; giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng làng, xã, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp; NTM thông minh… Từ đó, vận dụng, triển khai trong chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền ngày càng hiệu quả hơn trên các lĩnh vực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu.
Tính đến tháng 2/2023, cả nước có 6.001/8.211 xã (đạt 73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 958 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Bên cạnh đó, có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sự khởi sắc của nông thôn, nông nghiệp trên cả nước, khu vực phía Bắc sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chương trình là kết quả của sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; trong đó, có vai trò quan trọng các cơ quan báo chí nói chung, các cơ quan báo Đảng địa phương nói riêng./.