Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị tại Đại học Thái Nguyên
Ngày 5/4, tại Đại học Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục đích của buổi khảo sát nhằm đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân; đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên lý luận chính trị, giáo dục công dân; những vấn đề đặt ra, đề xuất giải pháp, kiến nghị trong quá trình triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW.
Theo báo cáo tại buổi khảo sát, Đại học Thái Nguyên hiện có 92 giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, trong đó có 36 giảng viên trình độ tiến sĩ, 56 giảng viên trình độ thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị luôn tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn; rà soát đề cương chi tiết các học phần về lý luận chính trị, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và định hướng của Đảng, Nhà nước.
Từ thực tiễn giảng dạy, các đại biểu, giảng viên Đại học Thái Nguyên có những đề xuất, kiến nghị, như: Cần có quy định đặc thù cho giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, tạo điều kiện được bổ nhiệm, phong hàm phó giáo sư; thống nhất chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị có việc làm sau khi tốt nghiệp; quy định cụ thể về chính sách, cơ chế đặc thù cho giảng viên lý luận chính trị các trường đại học sư phạm; tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chương trình các môn lý luận chính trị cho phù hợp...
Kết luận Hội nghị, đại diện Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được của Đại học Thái Nguyên cùng những cố gắng của đội ngũ giảng viên trong thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. Đồng thời tiếp thu, tổng hợp kiến nghị, đề xuất để báo cáo, tham mưu giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân thời gian tới./.