Tọa đàm khoa học “Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau năm 1975”
Ngày 05/7, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Trường Đại học Tân Trào tổ chức Tọa đàm khoa học “Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau năm 1975”.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu nêu rõ, văn học dân tộc thiểu số là “một bộ phận nằm trong dòng chảy của văn học Việt Nam bao gồm sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số viết về dân tộc mình và những vấn đề của đời sống xã hội”. Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay đã đạt được thành tựu đáng kể về đội ngũ và chất lượng nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc còn một số hạn chế như: Số lượng tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số từ sau năm 1975 ngày càng ít. Đội ngũ nhà văn còn thưa mỏng và phân bố không đều; một số cây bút trẻ không sinh sống và làm việc ở nơi mình đã sinh ra nên sự gắn bó với văn hoá dân tộc bị mai một, không phản ánh được sâu sắc bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số.
Hiện nay có rất ít cây bút dân tộc thiểu số tạo nên những đột phá nghệ thuật. Mặc dù văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc từ sau năm 1975 đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng chưa có những tác phẩm kết tinh vẻ đẹp ngôn ngữ của dân tộc, tạo ra những dấu ấn ngôn ngữ văn học của dân tộc một cách điêu luyện; hiện tượng sáng tác song ngữ gần đây đã có nhưng chưa nhiều; chưa có nhiều tác phẩm, chuyên đề văn học các dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Văn học các dân tộc thiểu số còn bó hẹp trong cộng đồng các dân tộc; công tác quảng bá còn hạn chế, văn học các dân tộc thiểu số chưa được lan toả để tăng sự tiếp nhận; thiếu sự giao lưu giữa văn học các dân tộc thiểu số với văn học của người Kinh và văn học các nước trên thế giới.
Các ý kiến tham luận đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn học các dân tộc thiểu số đối với nền văn học Việt Nam, đối với việc bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá dân tộc; có những chủ trương, chính sách, hoạch định chiến lược để phát triển, phát huy, bảo tồn văn học các dân tộc thiểu số hiện nay; đầu tư phát triển và phân bố đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số hợp lý; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, khuyến khích tài năng, đặc biệt quan tâm đội ngũ nhà văn trẻ; không để tình trạng có địa bàn, có dân tộc thiểu số không có người sáng tác văn học.
Cùng với đó quan tâm thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động của các Hội văn học, nghệ thuật địa phương; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nhằm tạo môi trường đủ sức kích thích niềm đam mê và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà văn các dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ lý luận, phê bình văn học các dân tộc thiểu số; mở rộng giao lưu văn học giữa các tỉnh thành, địa phương và Trung ương, giao lưu văn học quốc tế; khơi gợi niềm từ hào bản sắc dân tộc, đặc biệt là đối với những cây viết trẻ./.