Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 4/2023

Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 4/2023.

1. Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy

Nhấn mạnh: Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng hàm chứa những nội dung sâu sắc, phong phú, thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Đây là hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện. Sáu điều Bác Hồ dạy là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Tuyên truyền 03 dự thảo Luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự

Tập trung nhấn mạnh các điểm mới, tiến bộ trong các dự án luật, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác quản lý nhà nước của Bộ Công an; những tác động tích cực của dự án luật đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự. Đồng thời đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng việc Bộ Công an xây dựng, ban hành các dự án luật để chống phá, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và ngành Công an; lan tỏa hình ảnh đẹp người chiến sĩ công an nhân dân trong lòng nhân dân.

3. Tuyên truyền kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhấn mạnh: Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 tới đây (tháng 5/2023). Tuyên truyền khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành sâu rộng, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân.

4. Tuyên truyền tình hình kinh tế - xã hội

- Đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tuyên truyền giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút thương mại, đầu tư của các địa phương.

- Tuyên truyền Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

5. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng

- Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch): Tuyên truyền truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; giáo dục các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn của dân tộc; tưởng nhớ, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023): Tuyên truyền nêu bật giá trị và ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023): Nêu bật những chiến thắng và chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định ý nghĩa to lớn và sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tinh thần đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh Lênin (22/4/1870 - 22/4/2023): Khẳng định giá trị bền vững và sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay và sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Kỷ niệm 205 năm Ngày sinh C. Mác (05/5/1818 - 05/5/2023): Khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của C. Mác, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư.

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; giới thiệu các mô hình, tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển văn hóa đọc; quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm hay, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao./.