Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Để tiếp tục cổ vũ, phát huy, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về phát triển văn hóa đọc, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc vào dịp 21/4 hằng năm, tại Công văn số 5020-CV/BTGTW, ngày 21/3/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Độc giả tham gia các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

1. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, đầu tư nguồn lực cho văn hóa, trong đó có phát triển văn hóa đọc, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 04/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; thiết thực triển khai kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

2. Nghiên cứu, tổ chức các hình thức như: đường sách, phố sách, công viên sách… trở thành điểm nhấn trong quy hoạch phát triển văn hóa tại địa phương, địa bàn để hình thành những trung tâm về sách, không gian văn hóa sách; xây dựng, lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa đọc với các hoạt động văn hóa của đất nước, địa phương, đơn vị; phát huy những mô hình, không gian văn hóa nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của quần chúng, nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng lâu dài, bền vững. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam cần được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung cao điểm vào dịp 21/4 hằng năm. Nghiên cứu, ban hành một số khẩu hiệu tuyên truyền cho Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với các chủ đề phù hợp.

3. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tăng cường vận động sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn của các loại sách đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc giả khác nhau; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa việc đầu tư phát triển, quảng bá, thúc đẩy xuất bản; khai thác, sử dụng xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

4. Phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống; xây dựng, tổ chức, phát động, triển khai sôi nổi các phong trào đọc và làm theo sách, mang giá trị của sách đến với người đọc, đặc biệt đẩy mạnh công tác tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

5. Tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, giới thiệu sách; khuyến khích các giải thưởng gắn với phong trào đọc; phát huy vai trò của hệ thống các thư viện trường học, thư viện tỉnh; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả.

6. Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí, căn cứ tôn chỉ, mục đích, mở các chuyên trang, chuyên mục, sử dụng nhiều nền tảng truyền thông giới thiệu các mô hình, tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển văn hóa đọc; quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm hay, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao với hình thức trình bày mới mẻ, sinh động, sáng tạo phù hợp với tâm lý, nhu cầu, đối tượng độc giả, có sức lan tỏa, khuyến khích công chúng hưởng ứng, chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.