Thái Bình: Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Trong thời gian qua, công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, thù địch được tỉnh Thái Bình triển khai đạt nhiều kết quả tích cực.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả “thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Với tác động của khoa học công nghệ, thế giới như được phẳng ra. Những khoảng cách về không gian đang thu hẹp lại bởi sự nhanh chóng, thuận lợi của truyền thông đa phương tiện; thông tin liên lạc ngày càng dễ dàng, thông suốt. Sự bùng nổ của truyền thông, nhất là sự phát triển của mạng xã hội đã tạo nên phương thức tiếp cận thông tin mới, làm cho thông tin lan tỏa nhanh, phạm vi rộng, hiệu ứng mạnh.
Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực phản động tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động, phát tán nhiều bài viết phản động, làm nóng các vấn đề xã hội, gây hoang mang và làm giảm sút niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Chúng đã triệt để lợi dụng Internet để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước ta, thông tin sai sự thật về tình hình và diễn biến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.... với các thủ đoạn tinh vi như: núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền và lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng để lập ra các “hội”, “nhóm” giả hiệu, mị dân và sử dụng mạng Internet để lôi kéo người khác tham gia, đồng thời truyền bá những quan điểm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền khuyếch trương những khó khăn, tồn tại, khuyết điểm nhằm mục đích gây rối, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa phương, đơn vị; vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu lãnh đạo các cấp nhằm tạo sự hoài nghi, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và điều hành của chính quyền.
Trong thời gian qua, công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, thù địch đã được tỉnh Thái Bình triển khai cơ bản bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các ngành đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai các chủ trương, thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả; đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về cơ sở lý luận, thực tiễn và tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Ban Chỉ đạo một số đơn vị trong tỉnh đã đổi mới các hình thức tuyên truyền, từ các hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và trên không gian mạng qua một số phương thức mới, phù hợp như: bằng đồ hoạ hình ảnh (infographic), livestream trực tiếp, sản xuất video clip, tích hợp với kênh điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền trên zalo, facebook, youtube... Kết quả bước đầu đã cung cấp thông tin thường xuyên, định hướng dư luận xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh) phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong khối binh chủng tư tưởng, rà soát, sàng lọc các đối tượng có thông tin ảo, không rõ danh tính, không sinh sống trên địa bàn tỉnh...; chủ động tiến hành các biện pháp đấu tranh gỡ bỏ tài khoản, bài viết. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo rà soát các tin, bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo điện tử, từ đó phát hiện và tham mưu xử lý theo quy định.
Các cơ quan báo chí của tỉnh; các bản tin, cổng thông tin điện tử, “Sổ tay Đảng viên điện tử” từ tỉnh đến cơ sở và các ngành cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin chính thống, đăng phát những thông tin tích cực nhằm phản biện với các thông tin sai trái, chưa được kiểm chứng.
Một số trang, nhóm của Ban Chỉ đạo và facebook cá nhân thuộc lực lượng Công an, Quân đội thường xuyên chia sẻ, lan toả, đăng tải các bài viết từ các cơ quan báo chí chính thống; chia sẻ quan điểm, thái độ, cung cấp thông tin nhằm định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh. Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, gỡ bỏ, triệt phá, xử lý thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội được đẩy mạnh, thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái chưa được thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hại của thông tin sai lệch, xuyên tạc trên Internet, mạng xã hội. Công tác tham mưu, định hướng chỉ đạo, phối hợp lực lượng ngăn chặn, xử lý liên quan đến một vài vụ việc phức tạp, nhạy cảm có lúc còn thiếu đồng bộ, kịp thời.
Việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có nơi, có lúc tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao, còn bị động, lúng túng chưa kịp thời, sắc bén. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa được phát huy đầy đủ.
Trọng nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đã có những thuận lợi rất cơ bản, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong tỉnh cần tiếp tục triển khai, thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan thường trực trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khoá XII) "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Đây là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác này.
Hai là, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác cập nhật và định hướng thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin, tạo sự lan toả sâu rộng; gắn với vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên khi tham và sử dụng Internet, mạng xã hội.
Ba là, mỗi cấp ủy, chi bộ đảng bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, gắn với phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, phát huy tốt vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc và cộng tác viên, đồng thời không ngừng mở rộng, phát triển lực lượng.
Bốn là, tiếp tục xây dựng lực lượng nòng cốt có bản lĩnh chính trị, tư duy lý luận, am hiểu về công nghệ và kỹ năng truyền thông. Thường xuyên rà soát các tin, bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm sớm phát hiện các thông tin xấu độc, trái chiều để có biện pháp tác nghiệp.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng cách làm hay, có hiệu quả. Bên cạnh đó cần công khai các kết quả thanh tra, kiểm tra của Đảng, Nhà nước (đối với các sai phạm theo quy định), để người dân được biết, mỗi khi đã công khai thì sẽ không còn những đồn đoán, suy diễn sai trái, thiếu căn cứ, từ đó mới tạo được lòng tin của người dân và sự đồng thuần trong toàn xã hội.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng chính là cuộc đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng lâu dài, khó khăn. Để giữ được thế chủ động, giành phần thắng cần phải có quyết tâm chính trị; nhận thức đúng mục tiêu, đối tượng, xác định đúng nội dung, phương thức đấu tranh; tạo sự thống nhất hành động trong toàn bộ lực lượng. Với những đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, tin tưởng chúng ta sớm hình thành được thế trận vững vàng trên mặt trận tư tưởng của Đảng./.
Trần Trọng Tuyến
Trưởng phòng Thông tin - Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình