Đắk Lắk: Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đạt nhiều kết quả nổi bật
Thời gian qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên. Cách thức và phương pháp thực hiện khoa học hơn, số lượng, chất lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản tăng lên đáng kể.
Chiều 30/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU; tổng kết công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên. Cách thức và phương pháp thực hiện khoa học hơn, số lượng, chất lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản tăng lên đáng kể.
Từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh xuất bản được hơn 120 ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; hơn 50 đơn vị, địa phương đang triển khai nghiên cứu, biên soạn. Chất lượng các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, nội dung, bố cục chặt chẽ, logic, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, có giá trị lý luận và thực tiễn. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được duy trì thường xuyên với các hình thức, phương thức tổ chức ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia.
Về kết quả triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 8/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án 04), nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo ngày càng được nâng cao; nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo có sự đổi mới, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện công tác tuyên giáo. Tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và trung tâm chính trị cùng cấp đã được bổ sung, kiện toàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu công tác tuyên giáo.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng nói chung và toàn ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh nói riêng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện tốt phương châm “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo” để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tập trung triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bố trí kinh phí phù hợp phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo quản, lưu trữ tư liệu, tổ chức khai thác, bổ sung tư liệu lịch sử Đảng./.