Thước đo thành công của nguyên tắc tập trung dân chủ là đầu ra của các quyết định

Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo khoa hoc "Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng - các vấn đề đặt ra" do Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 26/12.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định rõ 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Ở đó, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta.

Trong thực tiễn cầm quyền của Đảng, nổi lên ba nhóm công việc chủ yếu. Đó là, lựa chọn và phát triển lý luận cầm quyền đúng; xây dựng và thực thi cương lĩnh cầm quyền phù hợp, được đại đa số dân chúng trong xã hội ủng hộ và thực hiện; kiến tạo bộ máy cầm quyền hiệu quả và đội ngũ cán bộ cầm quyền giỏi. Tất cả hoạt động đó của Đảng được vận hành bằng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, thước đo của thành công khi thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ là ở “đầu ra của quyết định”, tức là những giá trị có thể định lượng được. Các quyết định của Đảng như các nghị quyết, quyết sách phải được đo lường bằng giá trị xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa, và sự hội nhập phát triển…

Quang cảnh Hội thảo.

Với tinh thần đó, các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung thảo luận sâu vào các nội dung cốt lõi nhằm xác định một cách đúng đắn, đóng góp thêm vào khái niệm Cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Cùng với đó là thảo luận về những kết quả, hạn chế, những nguyên nhân và kinh nghiệm thực tiễn được rút ra qua việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong các mặt công tác của Đảng, qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với yêu cầu của thực tiễn chung của đất nước hiện nay.

Đây là cơ sở để Ban tổ chức Hội thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong thời gian tới nhằm góp thêm ý kiến giúp Bộ Chính trị ban hành cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiệu quả hơn./.