Trao tặng thưởng cho 20 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà cần tiếp tục hòa mình vào thực tiễn đất nước, thực tiễn sáng tạo, để hoàn thành sứ mệnh cao cả, vẻ vang với dân tộc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của nhân dân.
Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ trao Tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2021, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tối 29/12 tại Hà Nội.
Tặng thưởng cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là sự động viên, khích lệ, cổ vũ của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với những công trình là sách, bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình, các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sáng tác và định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Lý luận văn nghệ đã nhận diện khoa học, sâu sắc hơn về đặc trưng, bản chất và những mối quan hệ nền tảng của văn học, nghệ thuật, góp phần đổi mới tư duy sáng tạo và phê bình, tiếp nhận. Tư tưởng văn nghệ truyền thống của ông cha ta được chú trọng nghiên cứu. Nhiều tác phẩm lý luận văn nghệ của nước ngoài được dịch, giới thiệu và vận dụng trong thực tiễn, đạt được những kết quả bước đầu đáng mừng. Phê bình văn học, nghệ thuật đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện cái mới, cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; định hướng giá trị và thị hiếu tiếp nhận; tạo cầu nối giữa nghệ sĩ với công chúng; khích lệ tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và củng cố niềm tin của người sáng tác.
Tuy nhiên, thực tiễn đã và đang đặt ra cho các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật những đòi hỏi lớn hơn nữa, nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển nền lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Tặng thưởng thường niên do Hội đồng tổ chức đã góp phần phát hiện, khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá và tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Qua 6 lần tổ chức, ảnh hưởng và tác động tích cực của Tặng thưởng đã từng bước được nâng lên, trở thành sự kiện được các cây bút viết lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước quan tâm, chờ đợi.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu Kết luận rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện, nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Qua một năm thực hiện Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư, nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến sâu sắc.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng chúc mừng các tác giả được tặng thưởng lần này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà tiếp tục hòa mình vào thực tiễn đất nước, thực tiễn sáng tạo, để hoàn thành sứ mệnh cao cả, vẻ vang với dân tộc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của nhân dân; góp phần đưa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới vào thực tiễn của cuộc sống hôm nay.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, quy tụ đội ngũ, tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, kịp thời tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đời sống văn nghệ nước nhà. Đồng thời, Hội đồng chú trọng tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét chọn, để Tặng thưởng thực sự chuyên nghiệp, uy tín, tôn vinh kịp thời những thành quả sáng tạo của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong cả nước.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng thưởng mức A cho cuốn sách "Không gian công cộng trong bối cảnh chuyển đổi" của các tác giả TS. KTS Trần Minh Tùng (Chủ biên), KTS Phan Tiến Hậu, KTS Chu Ngọc Huyền, KTS Phạm Thị Mỹ Lan, KTS Nguyễn Thành Hưng, TS. KTS Trần Anh Tuấn, TS. KTS Huỳnh Thị Bảo Châu, KTS Phạm Thùy Linh.
9 tác phẩm được tặng thưởng mức B gồm: "Lược sử Văn học Việt Nam" (GS.TS Trần Đình Sử - Chủ biên, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS Nguyễn Văn Long, GS.TS Huỳnh Như Phương, PGS.TS Vũ Thanh, GS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Trần Văn Toàn); "Đi tìm khuôn mặt La Hầu" (Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế); "Văn học Nam bộ 1945-1954" (PGS.TS Võ Văn Nhơn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, ThS Lê Thụy Tường Vi, TS Phan Mạnh Hùng, TS Nguyễn Thị Phương Thúy); "Hậu lý luận vẫn là lý luận" (GS.TSKH, NGND Phương Lựu); "Một góc nhìn về văn hóa nghệ thuật và đời sống" (TS Phan Hồng Giang); "Tiếng cười trên sân khấu kịch nói Việt Nam" (TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng); "Kiến trúc xanh và xây dựng phát triển bền vững" (TS. KTS Nguyễn Việt Huy); "Lặng lẽ những đời văn" (Nhà văn Ngô Thảo) và "Quan hệ giữa cũ - mới, giữa xưa - nay trong văn hóa" (PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh- bài viết).
8 tác phẩm được tặng thưởng mức C gồm: "Quy hoạch và giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng" (PGS.TS, KTS Phạm Hùng Cường); "Phác thảo chân dung nền sân khấu đương đại" (nhà văn Nguyễn Hiếu); "Tuồng" (PGS.TS Trần Trí Trắc); "Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh" (TS Nguyễn Anh Vũ); "Nghệ thuật biểu diễn vai đào thương của người nghệ sĩ Cải lương" (Đặng Minh Nguyệt); "Những thế giới tiểu thuyết" (PGS.TS Nguyễn Thành); "Thuyết tương quan và văn hóa đô thị" (TS Trần Ngọc Khánh – bài viết) và "Nghệ thuật biểu diễn kịch múa - Nhận diện và lý giải" (PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh – bài viết)./.