Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Ấp Bắc
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, giúp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngày 29/12, tại thành phố Mỹ Tho, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2023).
Dự hội thảo có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tướng lĩnh quân đội, các chyên gia quân sự, cán bộ lực lượng vũ trang, cựu chiến binh ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhân chứng lịch sử trong trận chiến năm xưa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết, đây là hội thảo khoa học cấp Bộ, là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, nghị lực vượt qua khó khăn; củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, giúp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo yêu cầu, trên tinh thần khách quan, khoa học và trách nhiệm cao, các đại biểu cần làm sâu sắc hơn các nội dung trọng tâm là khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp là Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho trong lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, qua đó làm sáng tỏ bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Ấp Bắc.
Trong trận Ấp Bắc ngày 2/1/1963, quân dân ta đã tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch, trong đó có 11 cố vấn, nhân viên quân sự Mỹ; bắn rơi 5 máy bay trực thăng; phá hủy 3 xe bọc thép; đánh chìm 1 tàu chiến cùng nhiều phương tiện chiến tranh của quân địch. Chiến thắng Ấp Bắc chính là thành quả của đường lối phát triển cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng; mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự trong chiến tranh giải phóng. Đây là mốc son trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả của sự chỉ đạo nhạy bén, kịp thời, đúng đắn của Đảng, trực tiếp làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của kẻ thù.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 80 báo cáo, tham luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Tiền Giang và các cơ quan hữu quan. Các tham luận một lần nữa làm rõ thêm và khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Ấp Bắc; khẳng định Chiến thắng Ấp Bắc là minh chứng cho chủ trương chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Có thể nói, đây là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm đảo lộn các chiến thuật và chiến lược của đế quốc Mỹ; làm nhụt ý chí xâm lược của kẻ thù, làm lung lay chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Chiến thắng Ấp Bắc còn thể hiện sự vận dụng tốt nghệ thuật tiến công tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và chính trị của quân dân ta, làm thay đổi cục diện quân sự trên toàn chiến trường miền Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, các tham luận đã làm rõ thêm những kinh nghiệm, bài học quý báu từ Chiến thắng Ấp Bắc, làm cơ sở cho việc vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.