Xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh

Theo các chuyên gia, cần phải xây dựng được bộ học liệu, kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào của người học và đào tạo giáo viên khi triển khai dạy học bằng tiếng Anh.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Sáng nay, 29/11, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh.

Hội thảo nhằm lắng nghe những góp ý, thảo luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, giáo viên về phát triển học liệu dạy học các môn Khoa học, Toán bằng tiếng Anh tại Việt Nam đồng thời bước đầu đề xuất các giải pháp nhằm phát triển các học liệu phù hợp với yêu cầu của các trường phổ thông tại Việt Nam.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay việc giảng dạy môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh đang ngày càng phổ biến hơn ở các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Khi được học tiếng Anh trong một bối cảnh môn học cụ thể, học sinh được trang bị vốn ngoại ngữ chuyên ngành và tăng khả năng vận dụng tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn, tăng cơ hội thử sức trong các kì thi quốc tế, được có nhiều cơ hội học tập ở các quốc gia phát triển, tăng khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh nghề nghiệp. Việc xây dựng nguồn tài nguyên học tập kĩ thuật số để giảng dạy môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh cũng góp phần giúp nền giáo dục Việt Nam tăng khả năng bắt kịp xu hướng học tập của thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện tổ chức đã chia sẻ kinh nghiệm dạy học môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh tại Việt Nam; về tài nguyên số dạy và học các môn Toán, Khoa học, Sinh học của Cambridge; đồng thời thảo luận về phát triển học liệu dạy và học các môn học khác bằng tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…

Ông Melvyl Lim, Giám đốc cấp cao của Hội đồng khảo thí Cambridge tại Việt Nam cho rằng, ngoài việc giúp học sinh thành thạo tiếng Anh, cần phải đảm bảo được độ chuyên sâu và hiểu được nội dung môn học. Vì thế, giáo viên phải hiểu biết sâu sắc về dạy học song ngữ, nắm bắt tâm lý người học và những thách thức, rào cản của họ. Cần kiểm tra đầu vào của học sinh, phân hóa trình độ, để thiết kế các chương trình học giúp học sinh vừa nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhưng cũng hiểu chuyên sâu về lĩnh vực mà mình quan tâm.

Ông Đặng Đình Long, Tổng hiệu trưởng Trường Delta Global School cho rằng để xây dựng được nguồn học liệu số của các môn học trong giảng dạy bằng tiếng Anh cần tận dụng những lợi thế của công nghệ trong xây dựng học liệu số đồng thời đưa văn hóa trở thành yếu tố phát triển trong nhà trường. Người giáo viên nước ngoài khi hiểu được văn hóa Việt Nam sẽ gắn bó và sáng tạo hơn trong xây dựng học liệu giảng dạy.

Ở góc độ quản lý, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh tới việc cần bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, đưa ra quy chuẩn với mức độ tối thiểu cho giáo viên khi giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Cụ thể như nâng cao chất lượng tiếng Anh cho sinh viên sư phạm dạy các môn học chuyên ngành, giảng dạy chương trình song ngữ cho sinh viên sư phạm; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có khả năng thành thạo tiếng Anh; phối hợp giữa giáo viên chuyên ngành và giáo viên ngôn ngữ để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ: “Các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.”

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ khó khăn với mục tiêu dài hạn và có rất nhiều thách thức, tuy nhiên, theo Giáo sư Lê Anh Vinh cho rằng cần có những định hướng và sự chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai để từng bước đạt được kết quả tích cực./.