Đắk Nông: Đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn để giảm nghèo bền vững

Sau 3 năm (2021-2023) triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đã giảm 6,01%.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Đắk Plao (xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong) được đầu tư, xây dựng các phòng học bộ môn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Mưng Hưng/TTXVN)

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, các xã vùng đặc biệt khó khăn.

Đây là nền tảng quan trọng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Ưu tiên nâng cấp trường, lớp học

Xã Đắk Plao là 1 trong 6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Glong. Đây là xã đông đồng bào dân tộc thiểu số với điều kiện kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn.

Toàn xã hiện có hơn 900 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 700 hộ (với gần 3.200 nhân khẩu) là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn xã năm 2024 gần 14%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số gần 17,5%.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Đắk Plao tại xã Đắk Plao là ngôi trường có gần 1.000 học sinh với 26 lớp học, trong đó đa phần học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (phổ biến nhất là Mạ, M’nông).

Theo bà Trần Thị Sen, Hiệu trưởng nhà trường, hàng năm, tổng số học sinh của trường vẫn tăng đều đặn từ 40-50 em.

Riêng năm học 2024-2025 tăng hơn 70 em. Nhiều năm nay, công tác dạy và học tại nhà trường gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, tập thể ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên nỗ lực cân đối, đảm bảo công tác dạy và học.

Một giờ học môn Tiếng Anh tại phòng học bộ môn của Trường tiểu học và trung học cơ sở Đắk Plao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thông tư qyy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020), các trường phải có tối thiểu các phòng học bộ môn để đảm bảo công tác dạy học.

Sau nhiều năm chật vật, thiếu thốn, năm 2023, Trường tiểu học và trung học cơ sở Đắk Plao đã được Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong ưu tiên bố trí nguồn vốn 7,5 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học bộ môn (gồm 8 phòng, 2 tầng kèm trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật).

Sau khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà trường đã có đủ các phòng học bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học-Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, và phòng đa chức năng.

“Việc có đầy đủ các phòng học bộ môn giúp công tác dạy học thuận tiện hơn rất nhiều. Các em học sinh có thêm các phòng học trực quan, thuận tiện cho việc dạy, học các môn thực hành. Nhà trường rất biết ơn các ngành chức năng đã ưu tiên nguồn lực và bố trí kinh phí để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học,” bà Trần Thị Sen chia sẻ thêm.

Trên phạm vi toàn huyện, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngành chức năng huyện Đắk Glong đã bố trí kinh phí để xây dựng, sửa chữa một số trường tiểu học, trung học cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong bối cảnh số học sinh các cấp của huyện hàng năm đều có xu hướng tăng.

Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cũng góp phần giúp cho ngành giáo dục huyện Đắk Glong nâng cao chất lượng dạy và học theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và góp phần thu hẹp khoảng cách về giáo dục với các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung.

Tại huyện biên giới Tuy Đức, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều trường học cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác giảng dạy, học tập, trong bối cảnh số học sinh liên tục tăng và nhiều bộ môn đòi hỏi phải có cơ sở vật chất đạt chuẩn để thực hành.

Điển hình như Trường Trung học sơ sở Quang Trung (xã Đắk R’tih); Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Đắk Búk So); Trường Mầm non Hoa Lan (xã biên giới Quảng Trực).

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung học sơ sở Quang Trung, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 6 phòng học với cơ sở vật chất hoàn thiện để thực hành 6 bộ môn, bao gồm Tin học, Tiếng Anh, Vật Lý, Công Nghệ, Mỹ thuật và phòng đa chức năng.

Việc đầu tư cơ sở vật chất đã giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy cô và các em học sinh có cơ sở vật chất đạt chuẩn để học các môn thực hành.

Hiện Trường Trung học sơ sở Quang Trung có gần 550 em học sinh với 12 lớp học, trong đó khoảng 85% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (đa số là người M’Nông).

Phát triển hệ thống giao thông liên xã, liên vùng

Bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống trường, lớp và các cơ sở giáo dục, đầu tư cho hạ tầng giao thông, thủy lợi… phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng là một ưu tiên của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đây được coi là nền tảng quan trọng để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Đắk Glong, từ đầu tháng 11/2024, dự án Đường giao thông liên xã Quảng Khê-Đắk Plao có tổng chiều dài hơn 10km hiện đang bước vào giai đoạn thi công “nước rút.”

Việc đầu tư mở rộng đường giao thông thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đa nhận được sự ủng hộ và hiến đất đai, cây trồng của hàng nghìn hộ dân khắp tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Đây là tuyến đường có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, trong đó gói thầu thi công xây dựng gần 53 tỷ đồng. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường sẽ từng bước hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới giao thông liên xã Quảng Khê, Đắk Plao để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa của các dân tộc trong xã với các vùng lân cận.

Đồng thời mở rộng không gian cho xã Quảng Khê, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn để thành lập thị trấn của huyện Đắk Glong.

Theo ông Bùi Văn Hường, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong, đường giao thông liên xã Quảng Khê-Đắk Plao là tuyến đường độc đạo, trước đây điều kiện đi lại rất khó khăn. Mùa mưa rất lầy lội, các phương tiện xe gắn máy phải gắn xích mới di chuyển được.

Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường được người dân rất ủng hộ. Việc mở rộng đường đi qua đất đai của hơn 200 hộ dân nhưng hầu hết người dân đều sẵn sàng hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc… để chủ đâu tư và nhà thầu thi công.

Hiện, nhà thầu hiện đang tranh thủ thời tiết năng ráo, tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm sớm bàn giao, đưa công trình đi vào sử dụng, đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong, tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong 3 năm 2022-2024 gần 195 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Huyện đã và đang triển khai 7 dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Hiện, một số dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng (điển hình như đường giao thông liên xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) đi Quảng Thành (thành phố Gia Nghĩa), các dự án còn lại đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

Tại huyện biên giới Tuy Đức, 21 tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông từ chương trình này đã góp phần trực tiếp giúp huyện Tuy Đức đạt được nhiều tiêu chí quan trọng về giao thông, điển hình như: tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 95%; tỷ lệ thôn, bon, bản có 2-3km đường được cứng hóa gần 88%.

Tập trung nguồn lực cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Công tác quản lý, điều hành chương trình đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ tỉnh tới địa phương.

Tổng vốn bố trí trong 3 năm 2022-2024 để thực hiện chương trình gần 898 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết gần 884 tỷ đồng, còn lại (hơn 14 tỷ đồng) từ nguồn vốn đầu tư phát triển chưa thực hiện phân bổ.

Tính đến ngày 21/11/2024, toàn chương trình đã giải ngân được hơn 472 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 52,61% vốn được giao của 3 năm 2022-2024.

Tuy Đức là huyện biên giới và cũng là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước. Trong ảnh: Một góc xã Đắk Búk So, trung tâm hành chính của huyện Tuy Đức. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, điển hình như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đạt tỷ lệ hơn 92,5%); Huyện Tuy Đức (hơn 65,5%); Huyện Đắk Glong (hơn 51,5%); Huyện Krông Nô (hơn 48%).

Một trong những ưu tiên hàng đầu khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn.

Trong số đó, tổng vốn hỗ trợ 2 huyện Đắk Glong và Tuy Đức để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn trong 3 năm 2022-2024 gần 369 tỷ đồng.

Riêng huyện Đắk Glong còn được phân bổ hơn 105 tỷ đồng để triển khai đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.

Cũng theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng, các chính sách giảm nghèo nói chung đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; giúp diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Đời sống người nghèo từng bước được cải thiện. Qua 3 năm triển khai chương trình (từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2023) tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm được 6,01%.

Đây là kết quả minh chứng cho việc áp dụng đồng bộ, triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2024./.