Nhà xuất bản Giáo dục: Tương lai sách giáo khoa sẽ là sách điện tử, sách số
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay tương lai sách giáo khoa sẽ là sách điện tử, sách số và đây cũng là mục tiêu dài hơi của đơn vị này.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện là đơn vị sở hữu hai trong số ba bộ sách giáo khoa, chiếm khoảng 70 thị phần. Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mục tiêu lâu dài của đơn vị này là phát triển sách giáo khoa điện tử vì tương lai sách giáo khoa sẽ là sách điện tử, sách số.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về những nỗ lực của đơn vị này trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa theo định hướng đa dạng hóa và xã hội hóa.
Nỗ lực vượt lên thách thức
- Thưa ông, tháng 11/2014, Quốc hội đã có Nghị quyết số 88/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.”
Là đơn vị chiếm đa số các bộ sách giáo khoa được phê duyệt, ông có thể cho biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những thuận lợi cũng như khó khăn gì trong việc xuất bản sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa và đa dạng hóa?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Lần thay sách này có vị trí đặc biệt trong tiến trình phát triển của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đánh dấu việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chính thức bước vào cạnh tranh về sách giáo khoa với các nhà xuất bản khác.
Khi bắt tay vào biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi có cả thuận lợi lẫn thách thức, khó khăn.
Điểm thuận lợi là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là nhà xuất bản có quy mô lớn nhất, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.
Bên cạnh đội ngũ tác giả là các nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia đầu ngành, nhiều kinh nghiệm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn có đội ngũ biên tập viên, hoạ sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có hệ thống phân phối phát hành rộng khắp trong cả nước.
Chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa khuyến khích các nhà xuất bản nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới trong việc biên soạn nội dung, trong thiết kế sách, hướng đến phát hành các sách giáo khoa hiện đại, tích hợp công nghệ và phương pháp giảng dạy tiên tiến.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có một số khó khăn, thách thức. Là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản) và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị với ngành giáo dục. Việc xuất bản, in ấn sách giáo khoa thực hiện theo Luật Đấu thầu. Mỗi gói thầu trung bình phải diễn ra trong khoảng 70 ngày. Do vậy, để đảm bảo tiến độ in ấn và cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các công ty tư nhân làm sáchg giáo khoa xã hội hoá.
Mặt khác, là doanh nghiệp nhà nước đang dẫn đầu thị trường về sách giáo khoa nói riêng và sách giáo dục nói chung, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện đang cố gắng tiếp tục giảm giá sách giáo khoa (hiện nay giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang thấp hơn khoảng từ 20%- 30% so với sách giáo khoa của đơn vị khác).
Toàn bộ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay đều là vốn vay ngân hàng (lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm). Trong khi đó, với cơ cấu giá hiện nay, sản phẩm sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hầu như không có lãi (tỷ suất lợi nhuận chỉ tương đương lãi suất vay ngân hàng). Lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.
Là doanh nghiệp nhà nước, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm lĩnh khoảng hơn 70% thị phần sách giáo khoa và hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn vốn Nhà nước, đóng góp cho ngân sách là thành quả đáng tự hào, hoàn toàn dựa vào sự nỗ lực, bằng thương hiệu, uy tín và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, không phải dư luận xã hội đã hiểu rõ điều này. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cũng xin nói thêm rằng, là doanh nghiệp nhà nước, toàn bộ lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều nộp về ngân sách Nhà nước, sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng phúc lợi theo quy định.
Sự cạnh buộc các nhà xuất bản phải đầu tư nhiều hơn để có thể thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của sách giáo khoa cũng như áp lực trong việc xây dựng đội ngũ tác giả.
Khi có nhiều đơn vị cùng xuất bản sách giáo khoa, số lượng bản phát hành của chúng tôi bị giảm. Chi phí đầu tư cao, số lượng phát hành giảm, đó là một trong những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt.
Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Lần đầu tiên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải thực hiện những công việc mà trước đây chúng tôi chưa từng làm như dạy thực nghiệm sách giáo khoa; giới thiệu sách; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa...
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những giải pháp gì để khắc phục, vượt qua các khó khăn đó, thưa ông?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Để vượt qua những khó khăn này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp. Chúng tôi tăng cường tổ chức các hội thảo, các buổi tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên để nâng cao chất lượng nội dung sách giáo khoa, đảm bảo gắn kết giữa kiến thức và thực tiễn.
Đối với đội ngũ biên tập viên, họa sĩ, chúng tôi đặt yêu cầu phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực chuyên môn để tạo nên những sản phẩm sách có chất lượng cao về nội dung, đẹp về hình thức.
Để có được đội ngũ tác giả tốt, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ biên soạn và thẩm định sách, chúng tôi đã tìm kiếm các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín, có kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa; các giảng viên đại học đã hoặc đang tham gia công tác giảng dạy vừa có kiến thức chuyên môn sâu, vừa có kinh nghiệm thực tế.
Chúng tôi cũng bám sát yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực nghiệm sách giáo khoa một cách nghiêm túc, đầy đủ và đảm bảo chất lượng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đầu tư lớn về nhân lực, tài lực để đáp ứng yêu cầu về giới thiệu, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sử dụng sách giáo khoa (như tăng cường nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống phòng tập huấn, đường truyền phục vụ giới thiệu/tập huấn…)
Với những giải pháp đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng bước vượt qua các khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ biên soạn các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 theo tinh thần xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với thời đại
- Nhiều ý kiến cho rằng giá sách giáo khoa mới quá cao trong khi chi phí chiết khấu phát hành cao và lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Phát hành sách giáo khoa cũng như phát hành các ấn phẩm sách khác, hay phát hành báo chí, đều phải có chi phí, gồm: đóng gói, vận chuyển, kho bãi, giao hàng v.v.. Mức phí phát hành sách giáo khoa như hiện nay là rất thấp, đặc biệt là với vùng núi, vùng sâu vùng xa. Tôi có thể lấy ví dụ phí phát hành báo chí hiện nay đang ở mức từ 22% đến 25% giá bìa, cao hơn nhiều so với phí phát hành sách giáo khoa.
Việc tiết giảm chi phí để giảm giá thành sách giáo khoa là chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chúng tôi vì mục đích đảm bảo an sinh xã hội, vì quyền lợi người tiêu dùng. Các đơn vị phát hành cần chia sẻ điều này với doanh nghiệp chúng tôi để cùng thực hiện trách nhiệm xã hội. Điều đó cũng đòi hỏi các đơn vị nỗ lực tiết giảm các chi phí khác để tối ưu hoá hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Theo Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định giá tối đa sách giáo khoa, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Là đơn vị sản xuất, phát hành sách giáo khoa, theo ông, mức giá tối đa nên được quy định như thế nào?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Việc định giá sách giáo khoa phải phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật Giá, cụ thể:
Thứ nhất, việc định giá sách phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường; đồng thời phải bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Thứ hai, thực hiện nguyên tắc định giá phải bảo đảm quyền, lợi ích người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân kinh doanh và lợi ích của Nhà nước.
Thứ ba, khi các yếu tố hình thành giá thay đổi (như giá yếu tố đầu vào thay đổi hay thay đổi về cơ chế chính sách của nhà nước có tác động đến yếu tố đầu vào) hoặc khi mặt bằng giá thị trường có biến động thì cơ quan định giá là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, điều chỉnh giá sách giáo khoa phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, phù hợp với mặt bằng giá trên thị trường.
- Hiện đã có 3 ba bộ sách giáo khoa. Theo ông, làm thế nào để có thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn để có thêm sách giáo khoa, tăng cơ hội lựa chọn cho nhà trường và học sinh? Ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Quá trình xuất bản sách giáo khoa không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi phải có đội ngũ biên tập viên có năng lực chuyên môn tốt, có khả năng tổ chức bản thảo sách giáo khoa với rất nhiều yêu cầu khắt khe về nội dung, kỹ thuật; đòi hỏi phải có đội ngũ tác giả giàu kinh nghiệm; đội ngũ họa sĩ hùng hậu, có chuyên môn cao. Quy trình xuất bản sách giáo khoa cũng rất nghiêm ngặt.
Không phải nhà xuất bản nào cũng có đủ năng lực thực hiện trọn vẹn quy trình từ biên soạn, biên tập đến xuất bản sách giáo khoa như vậy. Tại Việt Nam hiện có 7 nhà xuất bản được Bộ Thông tin-Truyền thông cấp phép xuất bản sách giáo khoa, nhưng chỉ có 6 nhà xuất bản tham gia xuất bản. Do vậy, hiện nay mới chỉ có 3 bộ sách giáo khoa với đầy đủ các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 được biên soạn và đưa vào sử dụng. Đó là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản và bộ sách Cánh diều của một số nhà xuất bản. Ngoài ra còn có một số đầu sách giáo khoa lẻ của các đơn vị xuất bản khác.
Để các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực hơn trong việc biên soạn sách giáo khoa thì theo tôi Nhà nước cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị xuất bản như ưu đãi về vốn, xây dựng chính sách bình đẳng đối với các nhà xuất bản để đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị thuộc mọi thành phần (nhà nước, tư nhân, cổ phần…) trong hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa.
- Ông có thể cho biết trong thời gian tới, Nhà xuất bản sẽ có những kế hoạch, định hướng như thế nào trong việc sản xuất, phát hành sách giáo khoa?
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh, vừa bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng với việc giảm giá thành sản phẩm, làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ cộng đồng và sự nghiệp giáo dục.
Đối với việc xuất bản sách giáo khoa, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với định hướng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đặc biệt coi trọng chất lượng nội dung sách, không ngừng nâng cao chất lượng thiết kế, chất lượng hình ảnh minh hoạ. Mục tiêu lâu dài hơn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là phát triển sách giáo khoa điện tử. Tương lai sách giáo khoa sẽ là sách điện tử, sách số. Chúng tôi sẽ phải có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với thời đại.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.