Thúc đẩy AfCFTA: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do Thương mại Lục địa châu Phi: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam,” tổ chức chiều 24/5, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, doanh nhân trong và ngoài nước.

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chiều 24/5, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp với nhóm Đại sứ các nước châu Phi tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do Thương mại Lục địa châu Phi: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam.”

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, doanh nhân cùng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, châu Phi và quốc tế.

Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết Việt Nam và các quốc gia châu Phi có mối quan hệ truyền thống hữu nghị, luôn ủng hộ lẫn nhau từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Mặc dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các khu vực khác có sự giảm sút, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang châu Phi gồm hàng công nghiệp (máy móc chế biến nông sản, điện thoại, linh kiện điện thoại…), nông nghiệp (nông sản, thực phẩm, càphê, chè, hạt tiêu, thủy hải sản), hàng chế biến….

[Hiệp định AfCFTA và cơ hội cho giao thương của Việt Nam]

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi những mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thô (bông, điều, gỗ…). Hàng hóa của hai bên có tính bổ sung cho nhau. Do vậy, Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) khi được triển khai sẽ là cơ hội để những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường châu Phi và ngược lại.

Đại sứ Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine cho rằng trong vòng hơn một thập kỷ qua, trao đổi thương mại Việt Nam-châu Phi đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022. Với sự ra đời của Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi, giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi sẽ tăng đáng kể.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng về triển vọng thúc đẩy thực thi Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi, trước hết phải kể đến thị trường lớn châu phi với đối tác không thành viên, khai thác tác động ngoại khối; phát triển mạng lưới kết nối giữa các nước trong châu lục với bên ngoài như đường hàng không, đường biển, kết nối hạ tầng mạng, phát triển dịch vụ logistics; tăng cường quan hệ toàn diện tác song phương, đa phương, tiểu vùng với các nước ngoài lục địa, tích cực chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định theo thế mạnh đối tác.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Việt Nam cần nâng cấp triệt để các quan hệ truyền thống và quan hệ hiện có với các nước châu Phi; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, tăng cường các cuộc khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm để khai thác triệt để các cơ hội hiện có, mở ra cơ hội mới, coi trọng quản trị rủi ro trong thương mại, đầu tư.

Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hợp tác mới, trao đổi các mô hình kinh doanh, kinh tế mới như kinh doanh số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển các nền tảng kết nối trực tuyến để giảm thiểu chi phí giao dịch, phát triển mạnh các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, giao lưu, trao đổi nhằm hiểu biết cụ thể thông tin của từng đối tác thành viên và bên ngoài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Hợp tác phát triển các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, các sáng kiến, mô hình giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Hội thảo diễn ra hai phiên. Phiên 1: Thúc đẩy thực thi Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi: Thực trạng và triển vọng đối với châu Phi. Phiên 2: Đối tác để Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi thành công: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.

Đại biểu dự Hội thảo cùng đánh giá những thách thức và cơ hội đặt ra cho hợp tác Việt Nam-châu Phi trong tình hình mới; các biện pháp thúc đẩy, mở rộng thương mại, nhất là đẩy mạnh xuất, nhập khẩu những mặt hàng chủ lực của mỗi bên thông qua tăng cường kết nối thị trường, doanh nghiệp, trong đó có khả năng khai thác các nền tảng kỹ thuật số.

Các đại biểu xác định các định hướng lớn thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp tài chính, nguồn nhân lực... hỗ trợ các dự án hợp tác với châu Phi.

Đến nay, 46 quốc gia châu Phi đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi sẽ là khu vực tự do thương mại lớn trên thế giới, với thị trường gồm 1,3 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 3.400 tỷ USD./.

Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)