Thủ tướng tiếp Tổng giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani

Thủ tướng cho biết Việt Nam hoan nghênh các đối tác, trong đó có Ấn Độ quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, TGĐ Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Tập đoàn Adani của Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani - Tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ, đang nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh ông Karan Adani thăm Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với Ấn Độ; vui mừng trước quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước đang phát triển rất tích cực trên các lĩnh vực.

Thủ tướng cho biết trong dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển mở rộng tại Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trao đổi về nhiều phương hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng cũng như tầm vóc của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

[Cơ hội cho DN Việt Nam trong chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ]

Thông tin về tình hình phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trong quá trình này, Việt Nam huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, TGĐ Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Tập đoàn Adani của Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Do đó, Việt Nam hoan nghênh các đối tác, trong đó có Ấn Độ quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani bày tỏ vinh dự được thủ tướng tiếp; ngưỡng mộ với tầm nhìn, chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam.

Ông cho biết Adani là tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ đang hoạt động trong các lĩnh vực cảng biển, vận tải, logistics, năng lượng, công nghệ số… tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Tổng Giám đốc Karan Adani cho biết Adani rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.

Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 10 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước đang phát triển rất tích cực, song quan hệ về kinh tế, đặc biệt và đầu tư, thương mại và du lịch vẫn chưa tương xứng, còn nhiều dư địa, cần có bước đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng.

Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các công ty, tập đoàn lớn của Ấn Độ, trong đó có Adani đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có tiềm năng lớn về vận tải biển, phát triển hệ sinh thái cảng biển, năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời; hoan nghênh Adani chủ trương đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này, trước mắt là đầu tư vào khu Bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, cũng như các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong đó, phải đảm bảo 5 yếu tố là nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và nhất là giá điện hợp lý, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số là xu thế của thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó và mong muốn Adani mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Adani tiếp tục nghiên cứu các dự án đầu tư khác tại Việt Nam, đồng thời đi đầu trong việc khuyến khích thêm các nhà đầu tư Ấn Độ tới Việt Nam.

Thủ tướng hy vọng Tập đoàn Adani sẽ phối hợp hiệu quả với các đối tác Việt Nam để có những kết quả cụ thể trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trên tinh thần “non cao cũng có đường trèo; đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”; “đã nói phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có kết quả đong, đo, đếm được,” “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”

Ông Karan Adani đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cho biết Adani sẽ bắt tay ngay, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đối tác của Việt Nam để triển khai những dự án cụ thể, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả như Thủ tướng mong muốn./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)