Rủi ro về thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp đang gia tăng
Những khó khăn thực chất của nền kinh tế chính thức “thẩm thấu” vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thì những rủi ro lớn về có khả năng thanh toán gốc, lãi cho trái chủ đã bắt đầu gia tăng.
Sau thời kỳ nhiều doanh nghiệp “ồ ạt” phát hành trái phiếu với khối lượng lớn và lãi suất cao, hiện nay những khó khăn thực chất của nền kinh tế chính thức “thẩm thấu” vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khiến những rủi ro tiềm ẩn về khả năng thanh toán gốc, lãi cho trái chủ bắt đầu gia tăng.
“Cục máu đông” lớn dần
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), riêng trong hai tuần cuối của tháng Năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu rõ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.
[98 tổ chức chậm trả TPDN với tổng giá trị lên trên 128 nghìn tỷ đồng]
Trên thực tế, “cục máu đông” trái phiếu doanh nghiệp cũng đang dần lớn lên. Sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất lo lắng với thông tin Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố về danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ (trong đó có trên 30 doanh nghiệp bất động sản).
Đến tháng Năm, tình trạng này tiếp tục gia tăng khi FiinRatings (công ty vị xếp hạng tín nhiệm nội địa) ghi nhận gần 100 tổ chức phát hành công bố chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên tới 128 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường trái doanh nghiệp về tổng quan đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm 45% so với năm 2021, đạt 337 nghìn tỷ đồng. Sang đến quý 1/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng và trong tháng Tư, thị trường ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ phát hành thành công với trị giá 671 tỷ đồng.
Nâng cao kiểm soát thị trường
Về những rủi ro hiện hữu trên thị trường, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ những bài học của thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái năm 2008 và đối tượng thiệt hại nhất là người dân có tiền tích lũy đã đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao.
Ông Hiếu nhấn mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn và lòng tin của nhà đầu tư đang dao động. Mặc dù, thị trường chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua đòi hỏi cơ quan quản lý các cấp cần có sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.
“Sau cuộc đại khủng hoảng, Mỹ đã ban hành Đạo luật Dodd-Frank nhằm chấn chỉnh lại thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu để bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân. Đạo luật này quy định việc thiết lập một số những định chế mới để nâng cao sự kiểm soát thị trường và làm tăng tính minh bạch của thị trường. Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý, kiểm toán Nhà nước trong việc quản lý và kiểm soát thị trường,” ông Hiếu chia sẻ.
Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết đang có một số yếu tố nội tại cần khắc phục, về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số tổ chức có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn.
Mặt khác, thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Vì vậy, một thị trường gặp khó khăn đã kéo theo các thị trường khác bị ảnh hưởng.
Do đó, ông Dương cho rằng cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, ông Dương cho biết các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường, nâng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả giám sát để minh bạch thị trường và thực thi các biện pháp để các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
“Các cơ quan quản lý sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát,” ông Dương chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động trong tháng Sáu. Các thành viên thị trường kỳ vọng hệ thống này đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch, ổn định và phát triển bền vững./.