Giới phân tích đánh giá thế nào về giảm lãi suất điều hành?
Lãi suất điều hành giảm thêm 0,5%/năm, tạo cơ sở để lãi vay tiếp tục giảm, dù vậy các chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước vừa ra quyết định chính thức giảm lãi suất điều hành. Đây cũng là lần thứ 3 trong năm, cơ quan này quyết định giảm lãi suất điều hành để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của Ngân hàng Nhà nước là 0,5%-1,5%/năm tùy loại.
Các chuyên gia đánh giá, động thái này của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần làm giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và tiết giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhất là chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, hạ lãi suất là bước đi khá hợp lý của nhà điều hành để giúp "sức khỏe" của nền kinh tế sớm hồi phục trở lại.
Mức giảm tương đối phù hợp
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù còn nhiều rủi ro từ suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt. Trong nước, lạm phát cũng tăng chậm lại. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định. Đó là những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định: "Đây là mức giảm lãi suất tương đối phù hợp ở giai đoạn này. Khi lãi suất giảm, tỷ giá VND cũng sẽ giảm do đó sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Nhìn chung chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại còn cao, do đó với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành thì tương lai gần trong vòng vài tháng nữa chúng ta sẽ giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế."
[Từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 0,5%]
Đồng quan điểm Tiến sỹ Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng đánh giá động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến tình hình trong nước cũng như quốc tế.
Kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm và đã qua đỉnh, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng Trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh tăng ngày 2/5.
Đối với trong nước, theo ông Thành, qua 4 tháng đầu năm một số chỉ số đại diện cho tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8%-6,8%. Lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại trong 4 tháng do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại đồng thời giá xăng dầu, nguyên vật liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. So với cùng kỳ, lạm phát giảm từ mức 4,89% trong tháng Một xuống 2,81% trong tháng Tư, bình quân 4 tháng đầu năm 2023 là 3,84%. Lạm phát cơ bản cũng giảm từ 5,21% tháng Một xuống 4,56% tháng Tư, bình quân 4 tháng đầu năm là 4,9%. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3%-5,5%.
Ngân hàng Nhà nước không giảm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, lại giảm trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng lần thứ 2 liên tiếp.
Theo nhiều chuyên gia, động thái này sẽ phát tín hiệu quan trọng cho thị trường về xu hướng lãi suất thời gian tới. Các ngân hàng thương mại cũng phải điều chỉnh mặt bằng tiền gửi các kỳ hạn khác. Chính việc hạ nhiệt lãi suất huy động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong giảm giá vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại, từ đó mới có cơ sở để hạ được lãi suất đầu ra, chính là lãi suất cho vay.
Lãi suất mới chỉ là điều cần
Dù đánh giá tích cực về việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này nhưng các chuyên gia của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) lại cho rằng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chuyên gia ACBS nhận định có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.
Đồng tình với nhận định trên, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
"Cầu nền kinh tế đang yếu, doanh nghiệp không thấy cơ hội kinh doanh, cho dù giảm lãi suất doanh nghiệp cũng không vay để làm gì. Nên kích cầu tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mà để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công chứ giờ sức khỏe khu vực tư nhân suy giảm mạnh," tiến sỹ Huân lý giải.
Chuyên gia Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng lãi suất cần phải tiếp tục hạ vì doanh nghiệp không có nhu cầu vay do bị đứt gãy nguồn hàng, công nhân phải tạm nghỉ hoặc làm luân phiên.
Ông Ngân kiến nghị: “Tới đây chúng ta phải quan tâm đến việc kiểm soát độ mở của nền kinh tế, vì quốc gia có độ mở lớn thì sẽ bị rung lắc bởi tác động bên ngoài. Việt Nam vừa phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn để kinh tế không suy giảm nữa, bởi nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 4% thì thất nghiệp gia tăng.”
Ông Ngân nêu rõ, về giải pháp, chính sách tài khoá phải là chính sách đi đầu. Nợ công của đã giảm từ 43% xuống còn 38%, giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Với dư địa này, chính sách tài khoá mở rộng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, đó là giảm thuế, phí, tiền thuê đất… cần giảm sâu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng hạ lãi suất điều hành chỉ là hình thức, không có nhiều ý nghĩa. Muốn giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng cung tiền, phải bơm mạnh tiền ra nền kinh tế. Tăng cung tiền trong bối cảnh hiện nay là phải tăng cung tiền cơ sở chứ không phải tiền gửi, thì lãi suất cho vay mới giảm được.
"Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán trên cơ sở lạm phát có đáng lo ngại không. Theo tôi, trong bối cảnh tín dụng và cung tiền thấp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang có cơ hội để tăng cung tiền cơ sở,” ông Nghĩa nói.
Các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ có điểm sáng vào quý 3 vì hiện nay chỉ số sản xuất của các nước phát triển như Mỹ, hay khu vực châu Âu đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, góp phần cho việc hồi phục tăng trưởng tín dụng. Trong thời gian tới lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm xuống thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng sẽ dễ thở hơn, khơi thông được dòng vốn tín dụng./.