Nvidia - chất xúc tác chiến lược cho sự tăng trưởng công nghệ của Việt Nam

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường AI của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 753,4 triệu USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 28,36% từ năm 2024-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/12, chuyên trang về đầu tư Vietnam-briefing.com của tập đoàn Dezan Shira & Associates đã đăng tải bài viết, trong đó nhận định thỏa thuận với Nvidia đã phản ánh chiến lược phát triển công nghệ chủ động cũng như tiềm năng kinh tế lớn của Việt Nam.

Theo bài viết, trong số các khoản đầu tư vào hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) và đám mây của Đông Nam Á, việc đầu tư phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nvidia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi từ sản xuất cấp thấp sang liên kết với các mạng lưới đổi mới toàn cầu.

Bước tiến này sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một nhân tố nổi bật trong lĩnh vực AI của Đông Nam Á. Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường AI của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 753,4 triệu USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 28,36% từ năm 2024-2030.

Mức tăng trưởng của Việt Nam tương đương với tốc độ tăng trưởng 28,53% của khu vực. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam có khả năng bắt kịp quá trình chuyển đổi công nghệ toàn cầu, được thúc đẩy nhờ đầu tư nước ngoài.

Theo nghiên cứu về mức độ sẵn sàng về AI của hãng tư vấn Oxford Insights (trụ sở tại Anh), Việt Nam đứng thứ 39 trong số 139 quốc gia, tăng 19 bậc so với năm 2023.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong số 5 nước hàng đầu, với hơn 5.000 kỹ sư, 7.000 chuyên gia AI và khoảng 500 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng công nghệ của Việt Nam phải kể đến lực lượng lao động trẻ, năng động và có chi phí cạnh tranh. Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về các thỏa thuận đầu tư và tổng vốn đầu tư khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều “kỳ lân” công nghệ và công ty khởi nghiệp trong nước đã hoạt động thành công trong lĩnh vực AI. Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, gần Trung Quốc và Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các thị trường tiềm năng trọng điểm.

Ngoài ra, phải kể đến nỗ lực của chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và môi trường kinh doanh thân thiện cho đổi mới sáng tạo.

Bài viết nhấn mạnh khoản đầu tư chiến lược của Nvidia vào Việt Nam đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI tương lai của Đông Nam Á.

Việc thành lập 2 trung tâm AI và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty trong nước như VinBrain và tập đoàn FPT chứng tỏ Việt Nam ngày càng có vị thế nổi bật trong hệ sinh thái AI toàn cầu.

Sự hội tụ của các lợi thế chiến lược của Việt Nam giúp tạo ra môi trường lý tưởng để tiếp tục phát triển công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam tìm cách chuyển dịch từ sản xuất cấp thấp sang sản xuất giá trị cao dựa trên đổi mới sáng tạo, những diễn biến mới này báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho cả các bên liên quan ở trong nước và quốc tế trong lĩnh vực AI của Việt Nam./.