Xuất khẩu tôm trong 11 tháng đầu năm mang về gần 3,6 tỷ USD

Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (khi đạt 4,3 tỷ USD), nhưng ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (chỉ đạt 3,4 tỷ USD).

Đưa tôm nguyên liệu vào dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xuất khẩu tôm 11 tháng mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự tăng trưởng ở các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số, xuất khẩu tôm năm 2024 dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD.

Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (khi đạt 4,3 tỷ USD), nhưng cũng đã cho thấy ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (chỉ đạt 3,4 tỷ USD).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu. Riêng tháng 11, giá tôm loại cỡ 50-60 con/kg, giá tăng so với tháng trước từ 5.000-9.000 đồng/kg, trung bình ở mức 103.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn có những thách thức nội tại cần sớm vượt qua để có sự tăng trưởng bền vững.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đó là các vấn đề kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.

Các dịch bệnh như bệnh đốm trắng, hội chứng tôm chết sớm (EMS) và các bệnh do vi khuẩn gây ra vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng tôm.

Việc quản lý dịch bệnh trong ao nuôi còn nhiều bất cập, khiến rủi ro bùng phát dịch bệnh cao, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cũng cho rằng giá thành tôm thương phẩm Việt Nam quá cao, cao hơn 30% so với Ấn Độ/Indonesia và cao hơn gấp đôi so với Ecuador, khiến tôm Việt Nam rất khó để cạnh tranh.

Nếu tôm đạt chứng nhận ASC/BAP có thể bán được giá cao hơn 5-10%, còn tôm đạt chứng nhận hữu cơ/sinh thái giá bán cao hơn 10-20%. Hơn nữa, tôm đạt chứng nhận sẽ được vào các hệ thống siêu thị lớn, các nhà hàng/khách sạn lớn và các hệ thống phân phối lớn.

Cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán, ông Lê Văn Quang cho hay.

Ông Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, thách thức với tôm Việt là làm sao nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng. Ngành hàng vẫn thiếu mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi (liên kết dọc, liên kết ngang).

Các phương thức giao dịch mua bán sản phẩm vẫn còn ở mức độ thấp chủ yếu là thị trường tự do (theo thời giá thị trường) hoặc hợp tác thời vụ, và hợp tác có kiểm soát về chất lượng. Rất ít các phương thức hợp tác đầu tư toàn diện và hợp tác đầu tư.

Hiện nay, hộ nuôi tôm quy mô nhỏ (khoảng 80% diện tích tôm nuôi) với tập quán canh tác riêng lẻ. Chí phí thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh/thâm canh chiếm tỷ lệ cao, từ 46-47%.

Nếu sử dụng thức ăn chất lượng cao với hiệu suất chuyển hóa thức ăn tốt, qua đó giảm thiểu lãng phí và nâng cao tốc độ tăng trưởng tôm. Cùng với đó, là tự động hóa hệ thống cho ăn và quản lý môi trường, giảm chi phí lao động và tăng hiệu quả quản lý, giúp tôm phát triển nhanh hơn và đều hơn.

Trước xu hướng hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững, ông Trần Ngọc Hải, trường Đại học Cần Thơ, cho rằng cần có những thay đổi để trở thành người nuôi tôm chuyên nghiệp, hiệu quả.

Người nuôi cần nắm bắt được xu hướng chuyển đổi đối tượng nuôi; xu hướng nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững; xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đặc biệt là sự liên kết sản xuất theo chuỗi ngành gắn với các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp./.