Kinh tế Thủ đô năm 2024 và ba kịch bản tăng trưởng trong năm 2025

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết lần đầu tiên thành phố thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng; thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Một góc Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt… trong khi kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành, kinh tế Thủ đô đã cán đích sớm hơn so với mong đợi và dự báo trước đó.

Năm 2024 là năm bản lề, có khối lượng công việc đồ sộ nhất trong suốt nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Hà Nội tập trung cao độ cho hoàn thiện các thể chế, song hành với phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy tăng trưởng mạnh du lịch...

"Chìa khóa vàng" thúc đẩy tăng trưởng

Người dân, doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội từng có thời kỳ lo lắng, trăn trở khi đi làm các thủ tục hành chính vì sự rườm rà, nhiêu khê, cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, quan liêu, cửa quyền. Nhưng nay, Hà Nội đã và đang đổi mới một cách mạnh mẽ, đi đầu cả nước khi thí điểm mô hình phân cấp ủy quyền, tiến hành từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tới các cấp, sở, ngành và quận, huyện.

Hà Nội cũng là đầu tàu, là trung tâm công nghệ của cả nước thực hiện đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Nhờ chuyển đổi số, mọi công việc, thủ tục đang được giải quyết một cách khoa học, kịp thời và tránh được nhiều tiêu cực.

Hà Nội cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu phải được tăng lên cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị khi vừa phải linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải chỉ đạo, điều hành khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, nhất là về hoàn thiện thế chế, xây dựng nền quản trị hiện đại và hoàn thiện các chính sách phát triển Thủ đô.

Cầu Nhật Tân. (Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung công việc quan trọng là xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thành phố đã báo cáo các quy hoạch với Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến; đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt; tổ chức hội nghị, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các đồ án quy hoạch của Hà Nội đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt trong những ngày tới. Có thể nói đây là "chìa khóa vàng," là kim chỉ nam soi đường cho Hà Nội.

Bứt phá tăng trưởng

Nhìn lại một cách bao quát, tổng thể, Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá nhờ chỉ đạo quyết liệt, cùng sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp nên Thủ đô đã hoàn thành hiệu quả, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đề ra về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 với tinh thần “đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm” để có bước đột phá rõ nét, tăng tốc sớm về đích các chỉ tiêu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết lần đầu tiên thành phố thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng. Thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây là kết quả hết sức quan trọng và toàn diện, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa 461.922 tỷ đồng, chiếm 93,8%, đạt 122% dự toán, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng thu từ sản xuất kinh doanh trong thu nội địa là 188.742 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,9% trong thu nội địa, đạt 107,3% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; thu từ nhà, đất: 48.590 tỷ đồng, đạt 114,0% dự toán, tăng 129,1% so với cùng kỳ; riêng thu tiền sử dụng đất: 36.100 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, tăng 140,5% so với cùng kỳ.

GRDP 9 tháng năm 2024 của Hà Nội tăng 6,12%, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng…

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,467 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 9,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,9%.

Trong năm, Hà Nội tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; trong đó ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực là y tế, di tích và giáo dục...

Kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giao là 81.033 tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2023. Đến ngày 15/11/2024, giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn thành phố là 37.066 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán.

Du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, thu ngân sách lớn đã tăng trưởng khá, khách du lịch tăng cao với nhiều sản phẩm tour đêm thu hút được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách.

Người dân Thủ đô và du khách quốc tế vui chơi tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Dự kiến năm 2024, ngành du lịch Thủ đô thu hút được trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023; trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế gồm 3,8 triệu lượt khách có lưu trú, tăng 16,4% so với năm 2023 và trên 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5 % so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023.

Thành phố chú trọng thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện và cơ chế thông thoáng mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Dự kiến năm 2024, thành phố thu hút trên 2 tỷ USD, đạt kế hoạch năm 2024.

Với những kết quả khả quan năm 2024, thành phố tiếp tục có nhiều giải pháp mạnh để cán đích nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ trong năm 2025.

Ba kịch bản tăng trưởng

Mặc dù thành công hơn dự báo nhưng năm 2024 cũng còn nhiều mặt hạn chế trong phát triển kinh tế Thủ đô và còn 1 chỉ tiêu trong năm không đạt kế hoạch. Thành phố Hà Nội đang đánh giá một cách tổng thể để có nhiều giải pháp tăng tốc trong năm 2025.

Năm 2025, thành phố tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển."

Thành phố đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 trên cơ sở xây dựng 5 phương án tăng trưởng: 6%; 6,5%; 7%; 7,5%; 8%.

Thành phố đưa ra kịch bản 1 dựa trên giả định thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó dự báo và tình hình trong nước như hiện nay; các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng không có yếu tố bất ngờ; đầu tư xã hội tăng 9,5-10,5%, hệ số ICOR khoảng 5 lần theo giá hiện hành; GRDP sẽ tăng 6-6,5%; GRDP/người đạt 171,5-172,4 triệu đồng.

Kịch bản 2 (cơ sở) dựa trên giả định năm 2025, tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến như hiện nay. Các giải pháp về cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy được thực hiện đạt kết quả nhanh, gọn và có hiệu lực, hiệu quả ngay; các động lực tăng trưởng trong nước được đẩy mạnh, tuy nhiên cần thời gian để có đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng; các dự án đầu tư được rà soát, khó khăn dần được tháo gỡ, doanh nghiệp bắt đầu phát triển từ quý 2/2025, GRDP sẽ đạt mức tăng 6,5-7,5%; GRDP/người đạt 172,4-174 triệu đồng. Nếu tăng trưởng năm 2024 và 2025 đạt 6,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 GRDP tăng 6,27%.

Khu đô thị Tây Hồ Tây. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Kịch bản 3 (cao) giả định tình hình thế giới và khu vực rất thuận lợi, đi vào ổn định GRDP sẽ tăng trên 8,0%; GRDP/người đạt trên 175 triệu đồng. Nếu tăng trưởng 2024 đạt 6,5% và 2025 đạt 8% thì trung bình 5 năm 2021-2025 GRDP tăng 6,56%.

Trên cơ sở phân tích như trên, kịch bản 2 được lựa chọn. GRDP năm 2025 tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo.... Với chỉ tiêu kế hoạch 2025 như vậy, dự kiến có 4 chỉ tiêu kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 không đạt.

Bước vào năm 2025, thành phố đưa ra hàng chục giải pháp và nhóm giải pháp, trong đó tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.

Cụ thể, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi xanh và triển khai hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật; đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, liên kết vùng; phát huy hơn nữa vai trò thành viên Tổ điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng..../.