Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cải cách các định chế tài chính toàn cầu

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cải cách các định chế tài chính toàn cầu và thúc giục hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cải cách các định chế tài chính toàn cầu và thúc giục hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, phát biểu nhân một sự kiện của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nam Phi, Tổng thư ký Liên hợp Guterres đã nhấn mạnh G20 cần phải dẫn đầu trong việc thực hiện "công lý tài chính."

Ông đánh giá cao sáng kiến xóa nợ của G20 trong đại dịch COVID-19, song cho rằng các cơ chế xóa nợ hiện tại chưa đủ để giải quyết vấn đề nợ tồn tại ở cấp độ toàn cầu.

Người đứng đầu Liên hợp cho biết tài chính đóng vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy các nền kinh tế toàn diện, hỗ trợ công nghiệp hóa, giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và giảm bất bình đẳng.

Do đó, những định chế tài chính phải cải cách bảo vệ các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế dễ bị tổn thương khỏi những cú sốc toàn cầu.

Theo đó, cần phải tăng cường vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và tăng cường tài trợ ưu đãi nhưng không nên lấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội là thước đo mục tiêu duy nhất.

Cũng phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cũng nhấn mạnh nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Nam Phi sẽ tập trung vào giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương do nợ của các nước châu Phi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi Ronald Lamola cho biết nước này đã đề xuất thành lập Ủy ban Chi phí Vốn trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, có nhiệm vụ đánh giá chuyên môn toàn diện về các vấn đề tác động đến chi phí vốn của các nền kinh tế đang phát triển, nhằm giúp giải quyết các vấn đề về tính bền vững của nợ trong tương lai và các thách thức liên quan đến không gian tài chính.

Nam Phi đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 từ ngày 1/12, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên dẫn đầu nhóm các nền kinh tế lớn có ảnh hưởng của thế giới này./.