Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kháng cáo của Nvidia

Tòa án Tối cao không đưa ra phán quyết về tranh chấp pháp lý, mà chỉ bác bỏ đơn kháng cáo của Nvidia đối với phán quyết của tòa án cấp dưới.  

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/12, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kháng cáo của Nvidia, nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI). Các cổ đông cáo buộc Nvidia gian lận chứng khoán vì đã không trung thực với nhà đầu tư về sự phụ thuộc của doanh thu vào thị trường tiền điện tử nhiều biến động.

Tòa án Tối cao không đưa ra phán quyết về tranh chấp pháp lý, mà chỉ bác bỏ đơn kháng cáo của Nvidia đối với phán quyết của tòa án cấp dưới.

Bên nguyên đơn do công ty quản lý đầu tư E. Ohman J:or Fonder AB có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển làm đại diện cáo buộc Nvidia và Giám đốc điều hành (CEO) Jensen Huang đã vi phạm Đạo luật Trao đổi Chứng khoán năm 1934 khi báo cáo sai lệch về mức độ đóng góp của tiền điện tử vào tăng trưởng doanh thu vào năm 2017 và 2018.

Từ năm 2017, khi giá tiền điện tử tăng, chip của Nvidia được ưa chuộng trong hoạt động khai thác tiền điện tử. Đến cuối năm 2018, lợi nhuận từ tiền điện tử giảm, doanh thu Nvidia không đạt dự báo, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh vào đầu tháng 11 năm đó.

Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại tài chính cho các nhà đầu tư do sụt giảm giá trị cổ phiếu.

Năm 2022, Nvidia đã đồng ý trả 5,5 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc không tiết lộ đầy đủ tác động của khai thác tiền điện tử đến mảng kinh doanh game, nhưng không thừa nhận hay phủ nhận cáo buộc.

Luật sư của bên nguyên đơn, ông Deepak Gupta, gọi phán quyết là chiến thắng cho trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Theo ông Gupta, các tập đoàn lớn thường tìm cách lách luật để tránh phải đối mặt với những vụ kiện tập thể.

Trong khi đó, đại diện của Nvidia khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ để tiếp tục bào chữa. Theo phía Nvidia, những tiêu chuẩn nhất quán và có thể dự đoán được trong kiện tụng chứng khoán là điều cần thiết để bảo vệ các cổ đông, đảm bảo sự vững mạnh của nền kinh tế mạnh và Nvidia cam kết ủng hộ những tiêu chuẩn này.

Vụ kiện nhằm vào Nvidia là một trong hai vụ kiện được đưa ra trước Tòa án Tối cao trong tháng 11, liên quan đến cáo buộc gian lận chứng khoán. Vụ án còn lại, liên quan đến Facebook cũng bị các thẩm phán bác bỏ vào ngày 22/11.

Mới đây, Trung Quốc cho biết đã tiến hành điều tra công ty sản xuất chip Nvidia Corp (Mỹ) liên quan đến nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Động thái được xem là phản ứng đáp trả đối với các biện pháp tăng cường kiểm soát của Mỹ đối với ngành chip của Trung Quốc.

Tuyên bố từ Tổng cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) thông báo về cuộc điều tra nhưng không giải thích cụ thể cách thức mà Nvidia có thể đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Tuyên bố cũng cho biết công ty sản xuất chip của Mỹ còn bị nghi ngờ vi phạm những cam kết trong quá trình mua lại công ty thiết kế chip Mellanox Technologies của Israel theo các điều khoản được phê duyệt có điều kiện trong quyết định của cơ quan quản lý vào năm 2020.

Trong tháng 11, Nvidia cho biết “gã khổng lồ” chuyên sản xuất chip này đã đạt lợi nhuận 19 tỷ USD trong quý 3/2024, với doanh thu kỷ lục, nhờ nhu cầu đối với phần cứng để vận hành AI.

Nvidia dự báo doanh thu trong quý 4/2024 sẽ vào khoảng 37,5 tỷ USD, cao hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 37,09 tỷ USD. Con số này cho thấy một tỷ lệ tăng trưởng đáng kinh ngạc nhờ nhu cầu lớn đối với các chip của Nvidia. Tuy nhiên, đây là một sự chậm lại rõ rệt so với những quý trước, khi Nvidia thường xuyên báo cáo doanh thu tăng ít nhất gấp đôi.

Mặc dù nhu cầu đối với chip của Nvidia vẫn gia tăng, song những trục trặc trong chuỗi cung ứng đã khiến tập đoàn này khó có thể báo cáo mức doanh thu vượt trội như trước đây. Nhà phân tích Bob O'Donnell, tại công ty nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research, nhận định rằng các vấn đề trong chuỗi cung ứng đang gây ra một số lo ngại./.