Hướng đi tất yếu cho phát triển đô thị xanh và bền vững
Xây dựng đô thị xanh, bền vững không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp cấp thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội hài hòa.
Phát triển đô thị xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách và hướng tới sự phát triển bền vững. Tại Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 12/12, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận, phân tích những thách thức và đề xuất giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy đô thị xanh tại Việt Nam.
Hoàn thiện quy định về thuế, phí chất thải
Tại diễn đàn, những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất thải, giao thông và mô hình đô thị phi tập trung đã được chia sẻ, mở ra hướng đi mới cho các đô thị trong nước. Diễn đàn cũng nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của dữ liệu và sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đô thị xanh hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh về phát triển kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải rắn theo hướng để phát triển đô thị xanh.
Nhấn mạnh quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và đạt 42,7% vào năm 2023. Theo đó, ông Thắng cho biết kinh tế đô thị đã đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Trong khi, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 67.880 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.140 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.740 tấn/ngày). Theo đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày tại Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tấn/ngày, Hải Phòng khoảng 700-800 tấn/ngày, Đà Nẵng khoảng 1.100 tấn/ngày. theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%, trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%.
Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn đô thị, ông Thắng cho rằng đã đạt được những kết quả tích cực nhờ hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, nhiều địa phương đã triển khai phân loại rác quy mô lớn. Cùng với đó, công nghệ đốt phát điện được áp dụng, hạ tầng xử lý được cải thiện. Chính sách về chất thải nhựa cũng được thiết lập, hướng tới loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần sau năm 2030.
Tuy nhiên, ông Thắng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn những hạn chế như thiếu hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn, định mức chi phí tái chế, quy trình kỹ thuật. Thủ tục cấp phép phức tạp, quy định về lò đốt bất hợp lý, cùng với hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả phân loại rác. Hơn nữa, nhận thức của chính quyền và người dân còn hạn chế, thiếu liên kết giữa các địa phương, bất cập trong quản lý chất thải nhựa và khó khăn trong xã hội hóa đầu tư.
Để cải thiện, ông Thắng kiến nghị cần hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn, ban hành các thông tư hướng dẫn, cập nhật quy hoạch điện và quy hoạch tỉnh. Địa phương cần chủ động xây dựng đề án quản lý chất thải, đầu tư hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy tài chính xanh và xã hội hóa. Theo ông, cần hoàn thiện quy định về thuế, phí chất thải nhựa, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nhân rộng mô hình phân loại rác hiệu quả.
Giảm áp lực cho các siêu đô thị
Cho rằng cần phải có một cách nhìn mới về không gian kinh tế và không gian môi trường, tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV) kiến nghị phải xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính.
Ông phân tích, chúng ta có thể sử dụng các trung tâm năng lượng tái tạo phi tập trung để hỗ trợ cho các khu đô thị mới, nhưng đứng về góc độ kinh tế thì chi phí xây dựng ở khu vực không phải đô thị sẽ rẻ hơn khi xây dựng ở trong đô thị (do giá đất và các chi phí khác đều cao). Như vậy, một xu thế mở rộng các khu tái định cư và phát triển ra vùng ven của đô thị lõi sẽ phải hình thành. Theo ông, đây chính là mô hình phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang hoặc là phi tập trung hóa mà nhiều nước ở châu Âu đã áp dụng.
“Chính việc phi tập trung hóa các đô thị đã hình thành nên các đô thị nhỏ và góp phần làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giúp cho quá trình công nghiệp hóa nông thôn trở nên hài hòa hơn và giảm áp lực lên các siêu đô thị, làm cho việc phát triển xanh hóa các đô thị trở nên dễ dàng hơn với chi phí hợp lý,” ông Kiên đề xuất.
Chia sẻ về mô hình quản lý đô thị thông minh, tiến sỹ Nguyễn Đình Thạo, Đại học Giao thông Vận tải giới thiệu hệ thống quản lý đỗ xe tại một thành phố 13 triệu dân ở Nga. Hệ thống này cho phép quản lý giao thông, đô thị và nhu cầu vận tải một cách hiệu quả. Trong đó, điểm thú vị là tỷ lệ chênh lệch giữa chỗ đỗ xe tiêu chuẩn (trong bãi kín) và chỗ đỗ xe không đạt chuẩn (lòng đường, vỉa hè) là 1:20. Điều này cho thấy tiềm năng lớn trong việc tối ưu hóa không gian đỗ xe.
Cụ thể, hệ thống này áp dụng chính sách phí đỗ xe linh hoạt, bao gồm phí cố định và phí khuyến mại (dành cho dân cư, người khuyết tật, người sử dụng xe xanh, phương tiện công cộng, người đi khám chữa bệnh). Phí đỗ xe được điều chỉnh linh hoạt theo khu vực, thời gian và đặc biệt là yếu tố cung-cầu. Theo đó, mức phí dao động từ 40 rúp/giờ đến 450 rúp/giờ (gấp 11 lần) và người dân sẵn sàng chi trả cho việc đỗ xe thuận tiện.
Ông Thạo cho biết, hệ thống ban đầu chỉ đáp ứng 580.000 lượt đỗ/ngày đêm, với thời gian đỗ trung bình 6 tiếng/lượt. Tuy nhiên, nhờ dữ liệu lớn ghi nhận từ hệ thống đã giúp chính quyền thành phố thực hiện các chính sách điều chỉnh linh hoạt. Kết quả thời gian đỗ trung bình đã giảm xuống còn 1 giờ 20 phút, nâng công suất lên 2,65 triệu lượt đỗ/ngày đêm.
Hệ thống này triển khai từ năm 2012 đến 2024, đã tạo ra doanh thu 66 tỷ rúp (tương đương 680 triệu USD). Trong quá trình vận hành, chính quyền đã có 25 lần can thiệp vào hệ thống, trong đó 12 lần điều chỉnh chính sách dựa trên dữ liệu. Điều này cho thấy sự linh hoạt và hiệu quả của mô hình. Và, ông Thạo khẳng định giải pháp này hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.
Xu hướng tất yếu của thời đại
Tham dự diễn đàn, ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chia sẻ phương thức quản trị thành phố, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh và đô thị xanh tại Hà Nội. Ông coi đó là vấn đề nóng và xu hướng tất yếu của thời đại.
Ông Hải cho biết về sự thay đổi tích cực trong nhận thức của lãnh đạo thành phố về vấn đề môi trường, thể hiện qua việc tham dự các hội thảo và lắng nghe ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực cụ thể để tập trung nguồn lực là rất quan trọng, bởi nguồn lực của thanh phố dù có tăng trưởng nhưng vẫn chưa đủ để triển khai đồng loạt trên mọi mặt.
Theo ông Hải, việc phát triển đô thị xanh không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như rác thải, giao thông, năng lượng… và cần có sự lựa chọn ưu tiên. Hà Nội với vị thế là “trái tim” cả nước, cần phải “khỏe” và “mạnh mẽ” về môi trường. Theo đó, các lĩnh vực then chốt của đô thị xanh, bao gồm nông nghiệp xanh, công nghiệp
Về giải pháp, Lãnh đạo Hà Nội cho biết thành phố sẽ có những chỉ đạo nâng cao nhận thức về môi trường ở tất cả các cấp, từ lãnh đạo, quản lý đến người dân và doanh nghiệp, thông qua tập huấn và truyền thông. Đặc biệt là về tính minh bạch tại các phương án, kinh phí, thời gian, nhà thầu…, để người dân và các chuyên gia có thể đóng góp ý kiến và giám sát. Trên cơ sở đó, thành phố có sự chỉ đạo quyết liệt, theo dõi sát sao quá trình thực hiện, đánh giá kết quả và có chế tài khen thưởng, xử phạt rõ ràng.
Ngoài ra, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh về tầm quan trọng của "ba thông" (nhận thức-thể chế-quản trị), "ba quy" (quy hoạch-quy chế-quy chuẩn) và nguồn lực (trí tuệ-nhân dân-xã hội) trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đô thị xanh.
Đặc biệt, ông Hải cho biết yếu tố con người luôn là cốt lõi, do đó cần “chọn đúng người, trao niềm tin” và đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng. Và, người dân sẽ là những người giám sát hiệu quả nhất cho các dự án xanh của thành phố.