TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề án Công nghiệp văn hóa đến năm 2030
TP Hồ Chí Minh chọn 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030.
Những lĩnh vực này gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.
Đây là nội dung được Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức chiều 4/7.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia và khai thác các giá trị tiềm năng văn hóa thành dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 17.670 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố.
Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng qua từng năm, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của Thành phố.
Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2019 giá trị sản xuất đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010; đóng góp 3,98% GRDP của Thành phố, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất.
Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt thấp, chiếm 3,54% tổng GRDP của toàn Thành phố.
Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu đóng góp khoảng 3% GDP của cả nước.
Trước tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, ngày 25/10/2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; chọn 8 ngành công nghiệp văn hóa để phát triển gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Việc thực hiện đề án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026-2030. Trong giai đoạn 1, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước thông qua việc đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của Thành phố gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.
Cùng với đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Trong giai đoạn 2, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Qua đó, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP.
Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của Thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng.
Để Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 phát huy hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra từng nhóm nhiệm vụ cụ thể về phát triển trong từng lĩnh vực cho 8 ngành công nghiệp văn hoá được chọn để triển khai thực hiện.
Đối với ngành điện ảnh cần tập trung hỗ trợ phát triển các dự án phim có tính đặc trưng văn hóa của Thành phố; hình thành các không gian sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh; xây dựng các sự kiện, liên hoan điện ảnh thu hút sự chú ý của công chúng như Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng các chương trình hợp tác sản xuất, các kênh phân phối phim, mời gọi đầu tư với các đối tác trong nước và nước ngoài; chủ động giới thiệu, quảng bá phim Việt Nam đến với thị trường điện ảnh thế giới; nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển Điện ảnh…
Ngành nghệ thuật biểu diễn đẩy mạnh tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật ASEAN, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật với các địa phương và các quốc gia; xây dựng các mô hình nghệ thuật truyền thống; xây dựng các chương trình nghệ thuật đường phố.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu về ca múa nhạc, kịch, cải lương, hát bội, xiếc, múa rối…; định vị thương hiệu thông qua việc tổ chức định kỳ các liên hoan, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế như Liên hoan âm nhạc quốc tế “Hò dô,” Lễ hội ánh sáng, Lễ hội đường phố….
Ngành mỹ thuật tăng cường công tác quảng bá, phổ biến các sản phẩm mỹ thuật của Thành phố thông qua việc đổi mới các nội dung, hình thức hội chợ triển lãm, liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, các cuộc triển lãm chuyên đề… hình thành sàn giao dịch mỹ thuật, tổ chức trại sáng tác tác phẩm mỹ thuật khu vực, ASEAN.
Ngành thời trang tập trung thúc đẩy các hoạt động của Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển ngành công nghiệp thời trang, thiết kế, các ý tưởng sáng tạo đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối cung cầu, đẩy mạnh đưa sản phẩm thời trang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Ngành nhiếp ảnh đẩy mạnh xây dựng ngân hàng ảnh nghệ thuật, các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; tổ chức liên hoan ảnh nghệ thuật, phối hợp tổ chức liên hoan sáng tác, tác phẩm nhiếp ảnh khu vực, ASEAN và quốc tế…
Ngành triển lãm thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số, phát triển các ứng dụng số; liên kết giữa triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh với triển lãm thương mại, du lịch và quảng cáo... để vừa quảng bá được các tác phẩm nghệ thuật, vừa giới thiệu được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bán được các tác phẩm nhằm đem về lợi nhuận cho đất nước.
Ngành quảng cáo ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2030; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo; liên kết tổ chức các cuộc thi quảng cáo quốc tế; thiết kế sản phẩm quảng cáo hiện đại; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm “Quảng cáo điện tử.”
Du lịch văn hóa xây dựng các chương trình, điểm đến du lịch văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch Thành phố; tổ chức hội nghị thường niên liên kết phát triển du lịch văn hóa vùng; khôi phục các lễ hội truyền thống, đồng thời xây dựng mới các sự kiện lễ hội hiện đại./.