Đắk Lắk: Phục dựng Lễ cúng bến nước truyền thống của người M’nông

Hoạt động phục dựng Lễ cúng bến nước của người M’nông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, gắn phát triển du lịch ở Đắk Lắk.

Người dân biểu diễn văn nghệ sau khi lễ cúng kết thúc. (Nguồn: Báo Đắk Lắk)

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) vừa tổ chức phục dựng Lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn từ ngày 24/6-3/7.

Đây là hoạt động triển khai công tác bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống, truyền dạy văn hóa phi vật thể và hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” năm 2024 trên địa bàn huyện Lắk.

Huyện đã triển khai điều tra, khảo sát, điền dã thực địa trên địa bàn; triển khai, thu thập thông tin tư liệu về Lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông và các tư liệu liên quan; tổ chức phục dựng, ghi hình về diễn biến quá trình diễn ra nghi lễ trên địa bàn triển khai; lấy ý kiến của chủ thể văn hóa về công tác bảo tồn, phát huy và các phương pháp duy trì tổ chức trong cộng đồng đối với nghi lễ.

Hoạt động phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc M’nông nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, thực hiện thành công Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tiếp tục tôn vinh, quảng bá rộng rãi giá trị của di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, việc phục dựng lễ hội, nghi lễ dân gian đặc sắc của đồng bào M’nông còn gắn với phát triển du lịch; động viên các hoạt động giữ gìn và trao truyền nét văn hóa đặc sắc giữa các thế hệ; phát huy vai trò của người uy tín, già làng, nghệ nhân am hiểu về văn hóa và cộng đồng tham gia lễ hội; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Già làng mời các Yang về dự lễ cúng bến nước. (Nguồn: Báo Đắk Lắk)

Buôn Jun tọa lạc ngay cạnh hồ Lắk, được xem là một trong những ngôi làng cổ xưa đẹp nhất của người M'nông, có 116 hộ với 450 nhân khẩu, trong đó có 110 hộ và 422 nhân khẩu là dân tộc M’nông.

Trước đây, đời sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào hồ Lắk, vì vậy thuyền độc mộc là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, dù đi nương rẫy, đi đánh bắt cá hay đi sang các buôn làng khác đều chủ yếu di chuyển bằng thuyền độc mộc.

Nơi các con thuyền độc mộc neo đậu được mọi người trong buôn tâm niệm là nơi linh thiêng, nơi này có thần nước, thần núi coi giữ để buôn làng đi thuyền được bình an, thuận buồm xuôi gió.

Chính vì thế Lễ cúng bến nước hay bến hồ đã trở thành một phong tục tập quán độc đáo của người M’nông nơi đây.

Theo truyền thống của người M’nông sống bên hồ Lắk (huyện Lắk), vào ngày làm lễ cúng bến nước, ngay từ tờ mờ sáng, người dân trong buôn tập trung tại nhà thầy mối (Drah) để chuẩn bị lễ vật gồm rượu cần, heo, gà, trâu, bò…

Sau khi heo đã làm xong, lễ vật chuẩn bị đầy đủ, thầy mối cùng dân làng đem lễ vật đến nhà rước thầy cúng tới bến nước Đắk Hoa, buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi - đây là bến đầu nguồn lâu đời ở vùng đất này để cúng bến nước.

Tại đây, các lễ vật được bày ra, đặt đối diện với nguồn nước chảy ra từ khe núi. Các lễ vật không thể thiếu đó là đầu heo; 1 chén lớn tiết heo trộn rượu; 1 chén đựng thịt heo, gan heo; 1 cái tô; 3 ché rượu cần; hoa quả và một số thức ăn khác.

Lễ cúng bến nước của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn được ghi hình để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. (Nguồn: Báo Đắk Lắk)

Bên cạnh thầy cúng chủ trì lễ cúng, còn có người phụ cúng và già làng, cả ba người ngồi trước mâm lễ vật, đội chiêng đứng hai bên. Thầy cúng Y Bal Ông, người có uy tín và được buôn làng Pai Ar chọn cúng trong các lễ hội những năm gần đây đọc lời khấn: “Ơ Yang ơi, Yang nước, Yang suối, Yang sông, Yang đất, Yang trời, Yang núi hãy về đây chứng giám tấm lòng của bà con buôn Pai Ar. Hôm nay, chúng con có chuẩn bị lễ vật dâng lên Yang, mời gọi thần linh xuống đây cùng chung vui, ăn mừng với buôn làng. Cầu mong thần linh thấy được lòng thành kính của bà con buôn làng. Chúng con cảm tạ Yang đã ban cho buôn làng nguồn nước sạch phục vụ đời sống, cầu mong Yang về ban cho buôn làng sức khỏe, con cháu luôn được khỏe mạnh…”

Sau lời khấn, đội chiêng tấu lên bài chiêng Ngăn mời gọi Yang về. Kết thúc bài cúng và bài chiêng, thầy cúng lấy chén tiết heo pha rượu đổ một phần chén tiết vào nguồn nước chảy ra từ khe núi và khấn cầu cho Yang phù hộ, bảo vệ con cháu trong buôn làng được bình an, có đủ nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất.

Tiếp theo thầy cúng cùng với phụ cúng, già làng cầm theo chén tiết heo pha rượu đi về hướng buôn làng, đến ngã tư đầu tiên, thầy cúng tiếp tục đổ một phần chén tiết heo pha rượu và đọc hết gia phả của các dòng họ sinh sống trong buôn nhằm mục đích để báo cáo với Yang hôm nay có những dòng họ này đã có lễ vật dâng lên Yang, cảm tạ Yang trong năm qua đã phù hộ cho dòng họ sức khỏe, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời cũng để Yang nắm được các dòng họ sinh sống trong buôn để tiếp tục bảo vệ, che chở.

Thầy cúng, phụ cúng và già làng di chuyển đến cổng chào của buôn, đổ hết phần tiết heo pha rượu còn lại trong chén và đọc lời khấn với ý nghĩa: xua đuổi tà ma, ma quỷ, những điều xui xẻo, không sạch sẽ, không may mắn ra khỏi buôn làng để buôn làng được bình yên, không có những chuyện xui xẻo, đau ốm, bệnh tật xảy ra, để bà con trong buôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghi lễ cúng kết thúc, thầy cúng về tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn và không được phép quay trở lại bến nước vì sợ các Yang về sẽ nhập vào người thầy cúng.

Trong quá trình thầy cúng di chuyển về buôn làng, đội chiêng diễn tấu các bài chiêng, thanh niên nam, nữ sẽ nhún nhảy theo nhịp chiêng, điệu múa xoang mừng hội. Cùng với đó, những chiếc chiếu được trải ra, các món ăn được chế biến từ lễ vật trong lễ cúng (heo, gà…) được dọn ra mời buôn làng, họ hàng và tất cả những người có mặt cùng thưởng thức và uống rượu cần.

Lễ cúng bến nước là một trong những phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Tây Nguyên, là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người M’nông. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn là thông điệp giáo dục con cháu có ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, bảo vệ rừng./.