Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng tôn vinh đạo diễn Đặng Nhật Minh
Phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh ẩn chứa nhiều suy tưởng, gợi lên cảm xúc và liên tưởng cho người xem bằng những hình ảnh, tình tiết tưởng như ngẫu hứng nhưng được tính toán, sắp đặt cẩn thận.
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF 2), ngày 4/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm "Phong cách sáng tác của Nghệ sỹ Nhân dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh."
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế.
Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 2007. Trước đó, năm 1999, ông nhận “Giải thưởng lớn về văn hóa” của Nikkei (Nhật Bản) cho những tác phẩm điện ảnh.
Năm 2022, ông nhận Huân chương Hiệp sỹ Nghệ thuật và Văn học của Bộ Văn hóa Pháp.
Tại tọa đàm, đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ câu chuyện trong phim của ông luôn gắn liền với bối cảnh xã hội Việt Nam trong những giai đoạn nhất định. Do vậy, những ai muốn tìm hiểu về xã hội, con người, văn hóa Việt Nam có thể quan tâm đến các phim này. Đó cũng là một hạn chế trong các phim của ông bởi không đáp ứng các nhu cầu của đông đảo khán giả.
Ngoài ra, đạo diễn Đặng Nhật Minh cố gắng để phim gần nhất với đời sống. Quá trình sáng tác của ông là đi từ cảm xúc, hình thành nên câu chuyện để kể với người xem. Sau khi xem phim xong khán giả cảm động và đọng lại nhiều suy nghĩ. Từ cảm động đến suy nghĩ là hai trạng thái của người xem mà ông luôn phấn đấu để đạt được, do đó ông thường tự viết kịch bản, đề cập đến những vấn đề mà ông quan tâm, rung động.
Đề cập đến tính lịch sử trong phim của Đặng Nhật Minh, nhà báo Đinh Trọng Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh, cho rằng đạo diễn Đặng Nhật Minh rất quan tâm về lịch sử đất nước, xã hội và con người. Phim của ông thành công khi xây dựng, miêu tả những thân phận con người trong dòng chảy lịch sử thực sự đặc sắc, ấn tượng. Các nhân vật trong phim đều được đặt trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, thời khắc lịch sử đặc biệt, ở đó họ bộc lộ tình cảm, tính cách rõ ràng nhất.
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc khẳng định phim của Đặng Nhật Minh không ồn ào, không khoa trương, nhân vật của ông thường bình dị, bình thường như từ cuộc sống bước vào trong phim. Đó là Vũ, Thanh ("Thị xã trong tầm tay"), giáo Khang, Duyên ("Bao giờ cho đến tháng Mười"), Thủy, Hòa ("Mùa ổi"), Nhâm, Ngữ, Quyên ("Thương nhớ đồng quê")…
Kể cả khi đạo diễn Đặng Nhật Minh làm về một nhân vật vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh ("Hà Nội, mùa Đông năm 46"), bên cạnh những nét phi thường, vẫn thấy nét giản dị, đời thường của Bác.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh thường không lộ bàn tay đạo diễn trong phim mà hay ẩn đi, để người xem tự hiểu bằng những gợi mở khéo léo của mình. Phim của ông ẩn chứa nhiều suy tưởng, gợi lên cảm xúc và liên tưởng cho người xem bằng những hình ảnh, tình tiết tưởng như ngẫu hứng nhưng được tính toán, sắp đặt cẩn thận.
Cho rằng phim Đặng Nhật Minh phản ánh hiện thực đời sống xã hội Việt Nam, theo nhà nghiên cứu, Thạc sỹ Nguyễn Minh Phương, Viện Phim Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh mong muốn được làm phim về những vấn đề trong cuộc sống đời thường mà mình quan tâm, yêu thích và hiểu biết sâu sắc về chúng. Đó là các vấn đề ông bắt gặp trong cuộc sống khiến ông luôn trăn trở và cả bằng những trải nghiệm của đời người với đầy ắp niềm vui, nỗi buồn.
Qua những bộ phim của ông, người xem có thể thấy được phần nào xã hội Việt Nam ở những thời kỳ khác nhau, theo dòng chảy lịch sử dân tộc. Những bộ phim đó thường hướng vào phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống, với các vấn đề nóng của thời đại thông qua số phận con người cụ thể và giàu tính nhân văn. Tất cả những con người - nhân vật ấy được ông tái hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh theo cách đời thường hóa, giàu chất thơ và tính triết lý nhân sinh./.