Thị trường hàng hóa châu Á: Cổ phiếu Alibaba dẫn dắt thị trường
Mức tăng của chỉ số Hang Seng đã được hậu thuẫn nhờ mức tăng 7,3% của cổ phiếu Alibaba sau thông tin tỷ phú Jack Ma và Joseph Tsai đã mua lượng cổ phiếu trị giá 200 triệu USD.
Chứng khoán châu Á hầu hết tăng
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng trong phiên ngày 24/1, trong đó chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà tăng trong phiên thứ hai liên tiếp theo sau báo cáo cho thấy hai nhà đồng sáng lập Alibaba đã mua lượng lớn cổ phần của tập đoàn này. Trong khi đó, Trung Quốc đã thông báo các biện pháp mới để thúc đẩy hoạt động cho vay ngân hàng.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 3,6% lên 15.899,87 điểm trong phiên ngày 24/1, nới rộng mức tăng hơn 2% trong phiên trước đó sau khi giảm mạnh khoảng 10% so với mức từ đầu năm 2024 đến ngày 22/1.
Mức tăng của chỉ số Hang Seng đã được hậu thuẫn nhờ mức tăng 7,3% của cổ phiếu Alibaba sau thông tin tỷ phú Jack Ma và Joseph Tsai đã mua lượng cổ phiếu trị giá 200 triệu USD. Bloomberg cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư vào “gã khổng lồ” thương mại điện tử này.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ niêm yết tại Hong Kong, trong đó có Tencent, JD.com và Netease cũng tăng.
Cổ phiếu Alibaba niêm yết trên sàn New York cũng tăng gần 8%.
Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải cũng tăng 1,8% lên 2.820,77 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,8% xuống 36.226,48 điểm sau khi thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda tăng tăng kỳ vọng ngân hàng này sẽ sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Trước đó, chỉ số Nikkei đã phục hồi lên mức cao nhất trong 30 năm nhờ hy vọng ngày càng tăng vào nền kinh tế Nhật Bản.
Chứng khoán Sydney, Bangkok, Mumbai, Wellington, Đài Bắc và Manila tăng điểm, còn chứng khoán Seoul và Jakarta đi ngược chiều.
Các nhà giao dịch cũng nhận được lực đẩy trong phiên 24/1 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết ngân hàng này sẽ điều chỉnh giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ vào tháng tới trong bối cảnh PBoC dự kiến sẽ tăng cường cho vay để giúp khởi động nền kinh tế đang trì trệ.
PBoC cho biết việc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ bơm thêm 140 tỷ USD vào thị trường tài chính.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ, mà được các nhà phân tích dự đoán là tích cực. Điều này đã làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ngay cả khi lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 20 năm.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 4,53 điểm (0,38%) xuống 1.172,97 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,73 điểm (0,32%) xuống 228,53 điểm.
Giá vàng châu Á giảm do đồng USD mạnh lên
Giá vàng châu Á giảm trong phiên ngày 24/1 do số liệu kinh tế Mỹ “khỏe mạnh” đã làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn chờ đợi một loạt báo cáo kinh tế trong tuần này.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 2.023,69 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ 0,1% xuống 2.024,50 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường thuộc IG Yeap Jun Rong cho biết số liệu kinh tế gần đây của Mỹ đã khiến thị trường phải điều chỉnh lại kỳ vọng và thời gian cắt giảm lãi suất của Fed đã ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của vàng.
Chỉ số đồng USD đã giảm 0,2%, nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất trong sáu tuần ngày 23/1. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giảm nhưng giữ ở trên mức 4%.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến báo cáo PMI của Mỹ, dự kiến công bố ngày 21 giờ 45 phút, ước tính GDP quý IV công bố ngày 25/1, và số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân công bố ngày 26/1.
Các nhà giao dịch đồn đoán Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất 5 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong năm 2024. Lần cắt giảm lãi suất đầu tiên được dự kiến vào tháng 5/2025.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Tuần trước, một quan chức của Fed cho biết thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất là vào quý III/2024.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 22,38 USD/ounce, giá bạch kim không đổi ở mức 900,36 USD/ounce và giá palladium giảm 0,7% xuống 941,74 USD/ounce.
Tại thị trường Hà Nội, lúc 14 giờ 40 phút, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,2 - 76,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá dầu tăng nhẹ tại thị trường châu Á
Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên ngày 24/1 trong bối cảnh nhà đầu tư chịu áp lực trước căng thẳng địa chính trị gia tăng và lo ngại về nhu cầu ảm đạm.
Khoảng 14 giờ 12 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển bắc giao tháng 3/2024 tăng 4 xu lên 79,59 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 4 xu lên 74,41 USD/thùng.
Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) ngày 23/11 cho biết lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ đã giảm khoảng 6,67 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/1. Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng tăng khoảng 7,2 triệu thùng, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Số liệu chính thức của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cơ quan thống kê thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sẽ được công bố vào cuối ngày 24/1.
Đồng USD mạnh cũng làm hạn chế mức tăng của giá dầu, khiến những khách hàng nắm giữ đồng tiền khác phải trả nhiều tiền hơn để mua dầu. Chỉ số đồng USD đã dao động gần mức cao của sáu tuần so với các đồng tiền khác trong ngày 24/1 do các nhà đầu tư củng cố đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế vẫn đang khỏe mạnh.
Về phía nguồn cung, mỏ dầu Sharara công suất 300.000 thùng/ngày của Libya đã được khởi động lại vào ngày 21/1 sau khi tạm dừng hoạt động liên quan đến cuộc biểu tình kể từ đầu tháng 1/2024.
Trong khi đó, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ là North Dakota đã đưa một số sản lượng dầu trở lại hoạt động sau sự gián đoạn liên quan đến thời tiết. Nhưng sản lượng vẫn giảm tới 300.000 thùng/ngày. Hồi giữa tháng 1/2024, sản lượng đã giảm tới 425.000 thùng/ngày do thời tiết cực lạnh./.