WB cam kết mạnh mẽ hỗ trợ TPHCM xây dựng thị trường tín chỉ carbon
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao, cảm ơn Ngân hàng Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã cam kết hỗ trợ Thành phố tạo ra một hành trình xanh, qua các hợp tác cụ thể…
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng Xanh Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, ngày 24/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có buổi tiếp đại diện các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, trao đổi về vấn đề phối hợp gia tăng nguồn lực phát triển Xanh cho Thành phố.
Đại diện các tổ chức, nhà đầu tư thuộc nhóm thị trường carbon và tài chính Ngân hàng Thế giới, ông Chandra Sinha, Trưởng thị trường tài chính carbon toàn cầu khẳng định Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế, phát huy tiềm năng của Thành phố để kêu gọi, tận dụng các nguồn lực quốc tế giúp Thành phố xây dựng tín chỉ carbon và tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ những thông tin về thị trường tín chỉ carbon. Thị trường tín dụng carbon hiện nay khoảng 2 tỷ USD/năm và đang ngày một tăng nhanh theo thời gian.
Ngân hàng Thế giới có kinh nghiệm làm việc với các thành phố, công ty quốc tế đã và đang tham gia thị trường tín chỉ carbon; ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế; hỗ trợ Thành phố trong việc xác định ngành nghề cụ thể là cơ hội và tiềm năng cho phát triển tín chỉ carbon; lựa chọn dự án hoặc hợp phần dự án có thể áp dụng tạo ra tín chỉ carbon bán ra thị trường…
Đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ về kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới đối với Thành phố trong quá trình xây dựng thị trường carbon, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu giảm phát thải, tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Thế giới tập trung giúp xây dựng kế hoạch khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách và kết nối nguồn lực trong quá trình triển khai; tư vấn chi tiết hơn trong việc xác định các loại hình tín chỉ carbon, hỗ trợ Thành phố tham gia thị trường carbon thế giới; tư vấn và hỗ trợ Thành phố xác định và phát triển các ngành nghề, doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng tín chỉ carbon và tham gia thị trường tín dụng carbon thế giới.
Tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Darryl James Dong, Giám đốc phát triển chiến lược và điều hành của Ngân hàng Tài chính quốc tế (IFC), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đánh giá cao, cảm ơn Ngân hàng Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã cam kết hỗ trợ Thành phố tạo ra một hành trình Xanh, qua các hợp tác cụ thể giúp khơi thông nguồn lực thực hiện dự án, tạo vốn mồi, giúp khởi động dự án; hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố phát triển Xanh…
Thành phố mong muốn Ngân hàng Tài chính quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của các thành phố, địa phương quốc tế đã thành công trong phát triển Xanh, thu hút nguồn tài chính Xanh để triển khai dự án phát triển, giảm phát thải…
Trong khi đó, bà Marieka, Van Der Piji, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của Thành phố với nền kinh tế Việt Nam cũng như ý nghĩa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội với những cơ chế, chính sách thí điểm giúp Thành phố có nguồn lực vượt trội phục vụ phát triển.
EuroCham cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ Thành phố trong quá trình chuyển đổi Xanh; hỗ trợ huy động nguồn lực, giúp Thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, công trình Xanh để giúp Thành phố đạt mục tiêu giảm phát thải…/.