Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ 17 'Hợp tác đa phương viết nên một chương mới'
Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ 17, tổ chức tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 24-25/1; là lần đầu được tổ chức trở lại theo hình thức trực tiếp kể từ sau khi dịch COVID-19.
Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ 17 được tổ chức tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 24-25/1.
Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức trở lại theo hình thức hoàn toàn trực tiếp kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, chủ đề của diễn đàn năm nay là "Hợp tác đa phương viết nên một chương mới," diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 3.000 chuyên gia tài chính, giới doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia và khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc, Trưởng khu hành chính đặc biệt Lý Gia Siêu cho biết Hong Kong có thể tạo cơ hội cho các công ty châu Á và toàn cầu, chính sách “một nước, hai chế độ” và những cơ hội mà chính sách này mang lại đã đảm bảo cho lĩnh vực tài chính của Hong Kong phát triển mạnh mẽ dù phải đối mặt với những thách thức lớn.
Với sự hỗ trợ của Trung Quốc đại lục và vị trí ở trung tâm của một châu Á đang phát triển nhanh chóng, Hong Kong sẽ tiếp tục trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc và trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Lý Gia Siêu cho biết trong thế kỷ 21 đầy cơ hội, Hong Kong sẽ đóng vai trò là siêu kết nối, siêu giá trị gia tăng và kết nối mọi thứ. Hong Kong từ lâu đã là nền tảng niêm yết lớn trên thế giới, năm ngoái, tổng giá trị thị trường của các công ty niêm yết ở Hong Kong đạt 4.000 tỷ USD.
Sự kết nối giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục tiếp tục mở rộng, từ cổ phiếu đến trái phiếu và các công cụ phái sinh. Điều này không chỉ khẳng định vai trò cầu nối vốn của Hong Kong giữa đại lục và thị trường tài chính quốc tế mà còn là thị trường trái phiếu quan trọng.
Trong 7 năm qua, Hong Kong luôn là trung tâm phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất của các thực thể ở châu Á.
Ngoài ra, Hong Kong còn là trung tâm quản lý tài sản tư nhân số một ở châu Á, đồng thời là trung tâm vốn cổ phần tư nhân lớn thứ hai ở châu Á, với trung tâm quỹ phòng hộ lớn nhất trong khu vực. 1/3 bảo hiểm trái phiếu xanh và bền vững của châu Á được phát hành tại Hong Kong.
Cả Thâm Quyến và Hải Nam đều phát hành trái phiếu chính phủ bằng nhân dân tệ ra nước ngoài ở Hong Kong, tổng số trái phiếu trị giá 25 tỷ nhân dân tệ. Hong Kong tiếp tục cam kết duy trì quỹ nhân dân tệ ở nước ngoài lớn nhất thế giới, hiện đã vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ. Đây là lý do tại sao 3/4 số khoản thanh toán bằng nhân dân tệ ra nước ngoài của thế giới được thực hiện ở Hong Kong.
Thời gian gần đây, chính quyền đặc khu đã đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường và mở rộng phạm vi cổ phiếu đủ điều kiện tham gia Stock Connect, bao gồm bổ sung cổ phiếu của các công ty nước ngoài chủ yếu niêm yết tại Hong Kong và hơn 1.000 cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến, từng bước mở rộng phạm vi cổ phiếu thông qua Stock Connect.
Trong tháng 1/2024, Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong sẽ thực hiện sửa đổi các quy tắc niêm yết cũng như cải cách đối với GEM. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong sẽ duy trì giao dịch trong thời tiết khắc nghiệt sẽ được hoàn thành trong tháng này. Các thỏa thuận liên quan sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư có thể tiếp tục quản lý tài sản của mình trong giờ giao dịch khi thời tiết khắc nghiệt như bão hoặc mưa lớn.
Diễn đàn lần này đã tổ chức hơn 40 hoạt động dưới nhiều hình thức, bao gồm các bài phát biểu, đối thoại chính sách, ngoài ra còn có một số hội thảo về các chủ đề và lĩnh vực ngành để người tham gia trao đổi và thảo luận chuyên sâu.
Các phiên thảo luận chủ đề của diễn đàn năm nay bổ sung thêm các phiên "Cơ hội Trung Quốc" và "Tầm nhìn đầu tư," tập trung vào các cơ hội ở Trung Quốc đại lục, Trung Đông và ASEAN. Việc bổ sung các liên kết này sẽ giúp mang lại sự khám phá toàn diện hơn về những thách thức và cơ hội hiện tại trên thị trường tài chính châu Á./.