Thế giới đang ở "điểm tới hạn tích cực" về chống biến đổi khí hậu

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore bày tỏ vui mừng khi một số chính phủ lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng điện tái tạo và đang thúc đẩy lệnh cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Reuters)

Thế giới đang ở "điểm tới hạn tích cực" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt buộc các chính phủ phải đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa.

Đây là nhận định của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, nhà đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Generation Investment Management, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn được hãng tin Reuters công bố ngày 21/9.

Dẫn chứng về nỗ lực đẩy nhanh hoạt động giảm phát thải, ông Al Gore cho biết tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD với trọng tâm là khí hậu.

Đây được xem là gói biện pháp vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Đầu tháng này, Chính phủ Australia cũng cam kết đến năm 2030 giảm 43% lượng khí thải carbon và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trong khi đó, một số chính phủ đã lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng điện tái tạo có giá thành ngày càng rẻ hơn. Một số nước khác đang thúc đẩy các lệnh cấm ôtô và xe tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nhấn mạnh: "Tại thời điểm mà công nghệ tạo ra số việc làm trên mỗi USD đầu tư cao gấp 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch, tôi tin rằng tất cả những điều này tạo thành một điểm tới hạn."

Ông cũng bày tỏ hy vọng Brazil sẽ thay đổi chính sách của nước này về ứng phó biến đổi khí hậu sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, trong khi Trung Quốc và Mỹ sẽ tái khởi động đối thoại về vấn đề khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tháng 11 tới ở Indonesia.

[LHQ thúc đẩy hành động nhằm giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái Đất]

Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan ngại việc một số quốc gia tăng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng vọt do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông, không có khái niệm "nhiên liệu hóa thạch sạch," đồng thời kêu gọi chấm dứt các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch.

Ông nhấn mạnh đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch không giúp giải quyết vấn đề thiếu nhiên liệu mà còn làm tăng lượng phát thải khí nhà kính trong nhiều thập kỷ tới.

Ông Al Gore nhấn mạnh các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan - như nắng nóng ở Trung Quốc, lũ lụt ở Pakistan và hạn hán ở châu Âu, đang cho thấy sự cần thiết phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Al Gore, Phó Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993-2001, được biết đến là người ủng hộ chống biến đổi khí hậu sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu về khí hậu mang tên "An Inconvenient Truth" (tạm dịch là "Sự thật phũ phàng"), được trao giải Oscar năm 2006, và phần tiếp theo của phim ra mắt năm 2017.

Ông cũng là người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình cho chiến dịch vì khí hậu của mình và là đồng sáng lập công ty Generation Investment Management có trụ sở tại London (Anh) tập trung vào các dự án đầu tư bền vững ở cả lĩnh vực công và tư nhân./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)