Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Theo MXV, trong phiên giao dịch ngày 7/1, giá của hầu hết các mặt hàng kim loại đồng loạt đi lên. Nổi bật, giá bạch kim bật tăng 3,6%, lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong phiên giao dịch ngày hôm qua (7/1), giá của hầu hết các mặt hàng kim loại đồng loạt đi lên. Nổi bật, giá bạch kim bật tăng 3,6%, lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua.

Bên cạnh đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê cũng phục hồi tích cực trong bối cảnh vẫn còn lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại các quốc gia sản xuất lớn như Brazil và Việt Nam. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,11% lên 2.229 điểm.

Giá kim loại quý tăng cao

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm kim loại. Giá các mặt hàng kim loại quý duy trì đà hồi phục mạnh mẽ, dẫn đầu là bạch kim với mức tăng 3,6% lên 976,7 USD/ounce. Phe mua cũng chiếm ưu thế trên thị trường bạc nhưng đóng cửa, giá tăng chỉ nhẹ 0,34% lên mức 30,7 USD/ounce.

Giá bạch kim đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua do tâm lý lạc quan mới về triển vọng kinh tế của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu bạch kim quan trọng trên thế giới.

Mới đây, nước này đã tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn, bao gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu bạch kim trong các lĩnh vực ô tô và năng lượng sạch.

Thêm vào đó, giá bạch kim cũng được hỗ trợ trước rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu bạch kim trong tương lai dự kiến sẽ vượt quá nguồn cung trên thị trường.

Do đó, khả năng thâm hụt thị trường trong năm 2025 là chắc chắn, nhất là khi sản lượng khai thác, sản xuất từ các quốc gia cung cấp lớn như Nam Phi và Nga giảm.

Giá bạch kim trong phiên giao dịch hôm qua còn được hỗ trợ do lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Nam Phi-quốc gia sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, công ty điện lực nhà nước Eskom đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành do họ không được thanh toán đầy đủ chi phí. Theo thống kê, tính đến tháng 11 năm nay, công ty này vẫn chưa được thanh toán khoản nợ trị giá 95,4 tỷ rand (5,1 tỷ USD).

Giới chuyên gia đánh giá rằng điều này có thể khiến Eskom trì hoãn việc cấp phát điện trong thời gian tới, qua đó làm gián đoạn hoạt động sản xuất bạch kim tại quốc gia này.

Giá bạc vượt ngưỡng 30 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong gần ba tuần theo diễn biến chung của hầu hết các mặt hàng kim loại. Đà tăng của giá bị kìm hãm do đồng USD mạnh lên, sau khi dữ liệu việc làm ổn định có thể khiến Fed làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ tăng bất ngờ vào tháng 11, mặc dù việc tuyển dụng chậm lại. Số lượng việc làm đã tăng 259.000 lên 8,098 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 11, theo dữ liệu chính thức được công bố.

Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)

Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Theo MXV, nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục trải qua một phiên biến động tương đối phân hóa. Tuy nhiên, giá phần lớn các mặt hàng đều chứng kiến mức thay đổi khá khiêm tốn, tăng-giảm không quá 1%.

Trong đó, giá càphê tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm tại các quốc gia cung ứng hàng đầu bao gồm Việt Nam và Brazil. Chốt phiên, giá càphê Arabica và Robusta đều tăng trên 0,6%, lần lượt chốt phiên tại 7.065 USD/tấn và 5.019 USD/tấn.

Cụ thể, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), Việt Nam đã xuất khẩu trên 125.900 tấn càphê trong tháng 12 năm ngoái, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,34 triệu tấn càphê, giảm 17,2% so với năm 2023.

Ngoài ra, tại Brazil, dữ liệu từ Chính phủ nước này công bố cũng cho thấy nước này đã xuất khẩu 200.000 tấn càphê trong tháng 12, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2023. Hơn thế, các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng xuất khẩu càphê tại Brazil đang gặp gián đoạn do hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn tại các cảng xuất khẩu.

Cụ thể, theo khảo sát của Hội đồng các nhà xuất khẩu càphê Brazil (Cecafé) với 27 công ty liên kết, chiếm 75% tổng lượng hàng xuất khẩu, sự chậm trễ liên tục và thay đổi về quy mô tàu xuất khẩu, kết hợp với tình trạng luân chuyển hàng hóa thường xuyên, đã khiến 1,615 triệu bao 60 kg càphê bị giữ lại cảng và chưa được xuất khẩu vào tháng 11/2024.

Ở diễn biến ngược lại, giá ca cao hợp đồng tháng 3/2025 quay đầu giảm hơn 1% sau khi trải qua một phiên biến động tương đối giằng co. Giá tiếp tục được hỗ trợ trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm mạnh tại các quốc gia sản xuất lớn.

Hơn nữa, dữ liệu cũng chỉ ra lượng dự trữ ca cao trên toàn cầu tiếp tục giảm. Cụ thể, vào ngày hôm qua, tồn kho ca cao do Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) giám sát được lưu giữ tại các cảng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 1,345 triệu bao./.