Dấu ấn hội nhập 2024: Tạo dư địa mới cho tăng trưởng trong tương lai

Việt Nam được coi như một trong những điểm sáng của thế giới trong việc tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới được hình thành, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024 khi tiến gần mốc 800 tỷ USD. Đóng góp quan trọng vào kết quả chung đó là nhờ việc đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, khai mở thị trường, giúp doanh nghiệp kết nối với nhiều đối tác quốc tế.

Trong đó, dấu ấn nổi bật là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (Hiệp định CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục, chỉ trong vòng 16 tháng, khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi và thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn những kết quả đó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Bước lên bậc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng

- Từ những kết quả nổi bật của hoạt động kinh tế và thương mại, theo ông đâu là những dấu ấn nổi bật, đáng nhớ trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua?

Ông Lương Hoàng Thái: Năm 2024 có thể coi năm một năm khó khăn của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng toàn cầu không như dự đoán và không coi là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới như những giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, nếu tận dụng được việc một số chuỗi cung ứng và nền kinh tế mới được hình thành sẽ có thể vượt qua được khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đặt ra. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được coi như một trong những điểm sáng của thế giới trong việc tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới được hình thành, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Về công tác hội nhập, trong năm 2024 đã tập trung vào 2 định hướng, đó là tìm ra chuỗi cung ứng mới để phát triển, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng trong tương lai và việc này đã có thành tựu đầu tiên. Cụ thể, Việt Nam đã đưa hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Israel vào thực thi cũng như ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam-UAE, đây là những hiệp định thương mại tự do ở khu vực mà trước đây Việt Nam chưa có quan hệ thương mại tự do. Rõ ràng về tiềm năng, những thị trường ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, thậm chí cả nhiều nước châu Phi còn rất nhiều dư địa để có thể phát triển thời gian tới.

Bên cạnh tìm ra dư địa mới, một việc hết sức quan trọng là Việt Nam tiếp tục duy trì và tận dụng có hiệu quả hơn những thị trường đã khai thác trong thời gian trước đây mang tính truyền thống và chiếm 80% xuất khẩu của Việt Nam. Về vấn đề này, chúng ta tiếp tục xây dựng quan hệ và duy trì, đưa quan hệ kinh tế-thương mại với các đối tác truyền thống đi vào chiều sâu.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đơn cử, các nước G7 đã mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đến để trình bày cùng WTO cách thức làm thế nào để các nền kinh tế có thể tận dụng xu thế biến đổi chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua mà Việt Nam được WTO coi là một trong những điểm sáng. Đây được coi là kinh nghiệm mà G7 đã chia sẻ để các nước có thể hướng đến và Việt Nam đi vào thực chất để tận dụng tốt hơn về thương mại, mặc dù quy mô toàn cầu không tăng lên nhưng biết tận dụng thì vẫn có thể tìm ra những động lực mới trong những xu hướng phát triển, như xanh hóa, chuyển đổi số…

Hay quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ thông qua sáng kiến Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương (gọi tắt là IPEF) đã được thúc đẩy, bên cạnh đó với những nước láng giềng như: Trung Quốc, ASEAN, Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ và ổn định những thị trường này.

Rõ ràng 2024 là năm đặc biệt vì Việt Nam không bị phát sinh những tranh chấp thương mại lớn đáng kể với các đối tác và Việt Nam đã duy trì được môi trường kinh doanh xuất nhập khẩu tương đối ổn định, từ đó tạo tiền đề cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung, cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm vừa qua.

- Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Vậy, Hiệp định CEPA sẽ tạo ra những cơ hội như thế nào cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ở thị trường Trung Đông, châu Phi thời gian tới?

Ông Lương Hoàng Thái: Một trong những vấn đề đặt ra, đó là Việt Nam đã khai thác tương đối tốt những thị trường truyền thống, nhưng cũng có rủi ro khi những thị trường đó không đi vào giai đoạn phát triển cao mà lại phụ thuộc quá lớn vào những thị trường đó, cho nên một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đi khai thác, mở những thị trường mới, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng phát triển.

Trong năm 2024 đã có thêm 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ở khu vực Trung Đông, gồm: Hiệp định Việt Nam với UAE, đây là nơi trung tâm của khu vực và có nguồn tiềm năng về vốn, dịch vụ logistics và là cảng trung chuyển rất lớn, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn đi Bắc Phi, thậm chí gắn kết với Ấn Độ và nhiều nơi khác, do đó đây là một “cửa ngõ” chúng ta quyết tâm khai thông để tận dụng những tiềm năng kết nối giữa hai nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum chứng kiến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp theo là FTA với Israel được đưa vào thực thi sau một thời gian dài đàm phán và chuẩn bị. Như chúng ta đều biết, khoa học công nghệ là một trong những động lực rất quan trọng để tạo ra tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao và dài hạn và Israel được coi là một trong những câu chuyện thành công về mặt khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nơi có rất nhiều nguồn công nghệ kỹ năng để từ đó Việt Nam có thể học tập, cho nên mặc dù đây là thị trường về quy mô tương đối nhỏ cho xuất khẩu nhưng cũng là thị trường rất tốt nếu gắn kết được với nền kinh tế này.

Về tổng thể, đối với 20% phần xuất khẩu còn lại, thị trường tương đối phân mảnh, nếu như tự doanh nghiệp với quy mô nhỏ mà tự đi tìm những thị trường này sẽ rất khó, do vậy, chủ trương chung của Chính phủ chỉ đạo và Bộ Công Thương quyết tâm triển khai đó là đi mở ra thị trường, tạo ra kết nối, từ đó tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp và rất vui mừng là đã có kết quả thực tế, qua đó nghiên cứu để có thể khởi động đàm phán nhiều FTA khác với khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ la tinh, là những khu vực còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển thời gian tới.

Nắm bắt xu hướng mới từ chuyển đổi xanh

- Vậy ông đánh giá thế nào về những thách thức lớn nhất trong hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế năm 2025 và cần giải pháp gì để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với phát huy được các động lực phát triển mới?

Ông Lương Hoàng Thái: Trong giai đoạn gần đây, tăng trưởng thương mại trên phạm vi toàn cầu thấp hơn tăng trưởng GDP toàn cầu, đặc biệt thời gian tới dự kiến có xu hướng rất lớn có thể thay đổi mạnh mẽ cách các nước quan hệ thương mại với nhau.

Xu hướng đầu tiên là một số nền kinh tế lớn hướng nội nhiều hơn, thậm chí một số nơi có tính bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại xảy ra ở đâu đó trên thế giới.

Xu hướng thứ 2, kể cả nền kinh tế của họ tiếp tục quá trình mở cửa, nhưng lại có các biện pháp mới để thực hiện các xu hướng toàn cầu, như: chuyển đổi xanh, đi kèm là một loạt biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, việc này đôi khi doanh nghiệp coi đó là rào cản phải vượt qua, rõ ràng sẽ tạo ra những chi phí mới buộc doanh nghiệp tuân thủ mới có thể làm ăn buôn bán và xuất khẩu được sang các thị trường áp dụng những biện pháp này.

Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế thuộc loại cao nhất, phụ thuộc nhiều vào thương mại, đầu tư quốc tế thì thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam đặt ra trong năm 2025, đặc biệt Việt Nam hội nhập theo hướng đáp ứng luật chơi chung của toàn cầu và nền tảng là tham gia WTO với một quy tắc chung áp dụng cho tất cả các nước và Việt Nam khẳng định phương châm duy trì quan hệ mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Israel trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Israel" tháng 8/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, trên thế giới có xu hướng quản lý rất chặt các chuỗi cung ứng, chính vì vậy các quy tắc mà chúng ta theo đuổi từ trước đến nay thông qua những quy tắc của WTO dường như không còn đầy đủ để đáp ứng cho những xu thế mới này nữa, đây là thách thức rất lớn đặt ra cho Việt Nam.

Song Việt Nam cũng là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu, đặc biệt giai đoạn vừa qua khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi, đây là cơ hội. Vì muốn bỏ qua một số giai đoạn phát triển để vượt lên giai đoạn phát triển mới, việc nắm bắt được những xu hướng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… có thể vươn lên ở mức cao hơn rất nhiều.

- Thông điệp mà ông muốn gửi đến các chủ thể liên quan là gì để công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu và mang lại những kết quả tích cực như chúng ta mong muốn?

Ông Lương Hoàng Thái: Năm 2025, như các chuyên gia dự báo là năm rất khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng cũng có cơ hội rất lớn vì sau một thời gian rất dài, thế giới lại bước vào giai đoạn thay đổi về chất chuỗi cung ứng, do vậy khi chuỗi cung ứng được thay đổi, những nước hội nhập sau như Việt Nam mà vươn lên sẽ có khả năng “đi tắt đón đầu” để vượt lên những giai đoạn mới.

Với những thay đổi đó, chúng ta phải luôn luôn bình tĩnh và nhận diện đúng những xu hướng trong thời gian tới, quan trọng hơn là tìm ra những gì có thể định vị được trong thay đổi đó để đạt được kết quả tốt hơn so với thời gian qua.

- Xin cảm ơn ông./.