Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng đối với khoản vay phát triển nhà ở xã hội phù hợp.

Xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là chủ trương lớn, mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của cử tri một số tỉnh gửi đến Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, hiện giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của đại bộ phận người lao động; tỷ lệ cho vay mua nhà ở xã hội từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng còn thấp, thủ tục phức tạp, dẫn đến hạn chế về khả năng tiếp cận để mua.

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tiếp tục xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng​ đối với khoản vay phù hợp, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả.

Tỷ lệ cho vay mua nhà ở xã hội còn thấp

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết ngày 29/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 27, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Theo đó, để thuận lợi đối với thủ tục xác định giá nhà ở xã hội, luật đã quy định giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm: Chi phí đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có); giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp; giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.

Luật Nhà ở cũng đã quy định các ưu đãi dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%, được bố trí diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà.

Các quy định trên góp phần khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

Về nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có các nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể như nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ do các ngân hàng Thương mại chủ động cân đối và nguồn vốn ngân sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuy nhiên, đến nay mới có 37/63 ủy ban nhân dân tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 90 dự án. Doanh số giải ngân của chương trình đạt 2.360 tỷ đồng, bao gồm: 2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.

Gần đây, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay.

Thế nhưng, theo ý kiến của cử tri nhiều tỉnh gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 8, giá nhà ở xã hội hiện vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều người lao động, đặc biệt là người có thu nhập thấp, dẫn đến hạn chế về khả năng tiếp cận để mua.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay mua nhà ở xã hội từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn thấp, vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì còn khó khăn do nguồn vốn không đảm bảo thường xuyên, thủ tục phức tạp, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải vay thêm (nhất là đối với khoản đóng đối ứng ban đầu 30%), kết hợp với lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại khá cao, dẫn đến áp lực trả tiền vay hàng tháng.

Giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật nhà ở năm 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để các địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng biết, cùng hiểu và triển khai, thực hiện.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội,…” nhất là những địa phương trọng điểm, có chỉ tiêu đăng ký cao nhưng việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội thấp; tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, tiếp tục xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng đối với khoản vay nhà ở xã hội phù hợp để tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện; Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP.

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương bố trí đủ quỹ đất để thực hiện mục tiêu đầu tư nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao; rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở…

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

Ngoài ra, các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp khẩn trương triển khai xây dựng nhà lưu trú đảm bảo chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng./.