VPI dự báo giá xăng dầu đồng loạt tăng trong kỳ điều hành ngày 9/1

Mô hình Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng RON 95-III có thể tăng 346 đồng (1,7%) lên mức 21.086 đồng/lít, giá dầu diesel có thể tăng mạnh 2,7% lên mức 19.263 đồng/lít.

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 9/1, giá xăng dầu có thể đồng loạt tăng 0,7-2,7%, nếu Liên bộ Tài chính-Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể tăng 408 đồng (2%) lên mức 20.458 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng 346 đồng (1,7%) về mức 21.086 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này cũng chung xu hướng tăng, trong đó dầu diesel có thể tăng mạnh 2,7% lên mức 19.263 đồng/lít, dầu hỏa có thể tăng 2,1% lên mức 19.218 đồng/lít, còn dầu mazut có thể tăng 0,7% lên mức 16.209 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính-Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thị trường thế giới, trong phiên chiều 7/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 0,2% xuống 76,08 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,3% xuống 73,31 USD/thùng. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi sau khi giá dầu đã có 5 phiên tăng liên tiếp.

Theo công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova, giá dầu giảm trong tuần qua phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu, khi các dữ liệu mới nhất từ Mỹ và Đức cho thấy những tín hiệu tiêu cực.

Bên cạnh đó, nguồn cung ngày càng tăng từ các nước không thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), kết hợp với nhu cầu yếu từ Trung Quốc sẽ khiến thị trường dầu thô vẫn dư thừa nguồn cung trong năm 2025. Thêm vào đó, triển vọng sản lượng dầu tại Mỹ tăng thêm dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng gây áp lực lên giá dầu thế giới.

Thị trường cũng đang chờ đợi thêm báo cáo việc làm tháng 12/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Sáu (10/1), để đoán định chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Ngoài ra, lạm phát hàng năm của Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng cao hơn dự báo trong tháng 12/2024. Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất, điều có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Trước đó, trong phiên ngày 3/1, giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024, còn giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 11/10/2024, một phần do kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc-quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới./.